> Hoàn thành 60 cột mốc biên giới
> Khánh thành cột mốc cuối cùng giữa Quảng Trị với hai tỉnh của Lào
Đề nghị Bộ trưởng cho biết mục đích, ý nghĩa của công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa?
Nhằm xây dựng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và bảo vệ biên giới trong tình hình mới, từ năm 2008, hai nước đã phối hợp triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Trọng tâm của dự án là tăng dày số lượng mốc, tôn tạo, xây mới mốc hiện có để làm rõ đường biên giới trên thực địa, không tiến hành phân giới lại, đồng thời hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam - Lào.
Trải qua 5 năm thực hiện, với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân hai nước, đến hôm nay, chúng ta đã xây dựng được 793 vị trí mốc, tương ứng với 835 cột mốc và cắm bổ sung trên 20 cọc dấu, hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa.
Đây là sự kiện hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho việc hoàn thành toàn bộ Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào vào năm 2014, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý và bảo vệ biên giới, cho hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu kinh tế, văn hoá, du lịch của nhân dân vùng biên giới, góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên giới, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Sự kiện này có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước; là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, vì một đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Nhiều khó khăn
Việc triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Khu vực biên giới Việt Nam - Lào có địa hình hết sức hiểm trở, thời tiết lại rất khắc nghiệt, công tác khảo sát, vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng gặp nhiều khó khăn, chỉ tính riêng một cột mốc phải cần ít nhất 8 lần tiếp cận: rà phá bom mìn, khảo sát, làm đường, chuyển nguyên vật liệu, xây dựng mốc, đo đạc thông số kỹ thuật...Trong quá trình triển khai công tác này trên thực địa, đã có một số cán bộ, chiến sỹ Việt Nam hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Trong quá trình thực hiện Dự án, hai bên cũng phát hiện thấy một số sai khác về địa hình giữa các tài liệu pháp lý, bản đồ, sơ đồ đính kèm và địa hình trên thực địa, đòi hỏi có thêm thời gian, công sức để thống nhất phương án giải quyết, ảnh hưởng nhất định đến tiến độ của Dự án.
Khối lượng công việc còn lại của Dự án là rất lớn, trong đó có việc xây dựng, đàm phán và ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào, thể hiện thành quả của công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc biên giới trên thực địa, đòi hỏi các lực lượng chức năng của cả hai bên cần phải có quyết tâm cao, có kế hoạch và biện pháp thực hiện khoa học, hợp lý.
Ngày 9/7, Việt Nam và Lào tổ chức Lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa và khánh thành mốc đại tại cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Mo Ly Khăm Xay). Theo kế hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong tham dự buổi lễ. Nhân dịp này, hai bên sẽ ký thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt - Lào, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo. Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài 2.067 km, đi qua 10 cặp tỉnh biên giới phía tây và tây bắc. Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào được ký ngày 18/7/1977.
PV ghi