Tân tổng thống Hàn Quốc và lằn ranh đỏ

TP - Sẽ không có “Ánh dương phẩy” và không có chuyện dừng THAAD, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an, dự đoán về những chính sách 5 năm tới của tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Ảnh: Yonhap

Lằn ranh đỏ nguy hiểm

Hơn 13,4 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông Moon Jae-in làm tổng thống chứng tỏ người Hàn Quốc đặt niềm tin vào ứng cử viên đảng Dân chủ tự do, thưa ông?

Việc ông Moon Jae-in đắc cử tổng thống Hàn Quốc là điều không bất ngờ. Lần này có nhiều đảng phái ra tranh cử, nhưng cử tri Hàn Quốc đặt niềm tin vào ông Moon với hai lý do: Ông là người có kinh nghiệm chính trị và bản thân ông không có tai tiếng. Vụ bê bối lạm dụng quyền lực và tham nhũng của cựu tổng thống Park Geun-hye cả năm vừa rồi đã khiến người dân Hàn Quốc vô cùng bất bình và không còn tin tưởng vào các quan chức cấp cao. Do đó, họ dồn phiếu cho ông.

Điều thứ hai quan trọng hơn, mặc dù đa số người dân Hàn Quốc bất bình với Triều Tiên về hành động gây hấn, nhưng cũng đa số người dân nhận thấy nếu cứ căng thẳng với Triều Tiên thì chắc chắn Hàn Quốc chịu thiệt thòi đầu tiên. Thử tưởng tượng 1.000 quả tên lửa tầm trung mà phóng vào trung tâm Seoul và các trung tâm  kinh tế khác thì sẽ như thế nào?

Bản thân người Hàn Quốc cũng muốn lựa chọn một vị tổng thống đảm bảo an toàn tối đa cho họ. Trong khi đó, ông Moon lại chủ trương hợp tác với Triều Tiên, thậm chí chấp nhận đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi tình hình bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (ngoài cùng bên trái) tuyên thệ nhậm chức ngày 10/5. Bên cạnh là Thủ tướng Lee Nak-yon (thứ 2 từ trái sang), Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Suh Hoon (thứ 3 từ trái sang) và Chánh văn phòng tổng thống Im Jeong-seok. Ảnh: Yonhap.

Ông có thể dự đoán những khó khăn, thách thức mà tân tổng thống phải đương đầu?

Ông Moon Jae-in lên làm tổng thống trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Thứ nhất, người Hàn Quốc đang bị chia rẽ sâu sắc. Điều này cũng có điểm giống với xã hội Pháp trong việc bầu ông Emmanuel Macron làm tổng thống và Mỹ bầu  ông Donald Trump. Do đó, trách nhiệm và thách thức đầu tiên của ông Moon là gắn kết sự đồng lòng của toàn xã hội.

Thách thức lớn thứ hai ông Moon phải giải quyết là mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ. Trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc và Mỹ luôn tồn tại lằn ranh đỏ. Nếu không cẩn thận mà vượt qua lằn ranh đó thì vô cùng nguy hiểm. Do đó, việc trở thành chủ nhân của Nhà Xanh cũng đồng nghĩa với việc ông Moon sẽ phải đi giữa hai làn đạn.

Một mặt, ông Moon muốn thân với Trung Quốc và giải quyết bang giao với Triều Tiên để tháo gỡ ngòi nổ. Thế nhưng việc làm này lại đụng chạm tới Mỹ bởi lẽ lợi ích của 10 tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc nằm ở Mỹ nhiều hơn Trung Quốc. Có thể nói, 10 tập đoàn kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc, xương sống của nền kinh tế Hàn Quốc, chiếm tới 57% GDP của Hàn Quốc như Huyndai, Daewoo, Samsung, Lotte… đều có quan hệ thân thiết với Mỹ.

Theo thống kê năm 2016, riêng các sản phẩm của Samsung tiêu thụ ở Mỹ đạt 60,2 tỷ USD tại Mỹ (chiếm 34% tổng doanh thu), còn việc tiêu thụ sản phẩm Samsung ở thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 15%. Cho nên, các tập đoàn lớn này dù mở rộng làm ăn với Trung Quốc hơn 20 năm nay, nhưng những người lãnh đạo các tập đoàn Hàn Quốc đều được đào tạo tại Mỹ, có quan hệ lợi ích gắn chặt với Mỹ.

Khi ông Moon lên cầm quyền, chắc chắn ông không quay lưng lại với Mỹ. Ít ra, ông phải điều chỉnh biên độ trong chính sách của mình với Trung Quốc và Mỹ. Ví dụ, nếu chính quyền tiền nhiệm đặt quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc theo biên độ 40-60, thì ông Moon chỉ có khả năng gần Trung Quốc 40 hoặc 60, chứ không dám vượt qua vạch đỏ. Nếu ông Moon vượt qua vạch đỏ, chắc chắn ông sẽ gặp phải sự phản đối của 10 tập đoàn kinh tế lớn nhất.

Đó là chưa nói 90% sỹ quan tình báo, an ninh, cảnh sát đều được đào tạo tại Mỹ và Nhật Bản. Đây là bài toán quan trọng nhất mà ông Moon phải giải quyết. Đó là vừa giải được bài toán với Triều Tiên, thân Trung Quốc, nhưng không để mất lòng Mỹ. Tức là, tay trái chìa ra cho Triều Tiên và Trung Quốc, tay phải vẫn phải nắm chặt mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.

Sẽ không có “Ánh dương phẩy”, không dừng THAAD

Với cách tiếp cận cởi mở hơn với Triều Tiên của ông Moon cùng những hứa hẹn kết hợp đàm phán và hợp tác kinh tế khiến nhiều người hy vọng rằng chính sách “Ánh dương” rất có hiệu quả trong các năm 2000 và 2007 sẽ trở lại và giúp bán đảo Triều Tiên trở thành bán đảo phi hạt nhân?

Tôi có thể nói ngay rằng,  sẽ không có chính sách “Ánh dương phẩy” dưới thời của ông Moon, dù ông có thể giảm căng thẳng, xung đột, nhưng không bao giờ giải quyết được vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ngay cả  việc ông Moon hứa hẹn sẽ xem xét lại quyết định lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), cũng không dễ dàng giải quyết một sớm một chiều.

Hiện nay, Mỹ đã đặt THAAD tại Hàn Quốc, có thể ông Moon không dám, không có quyền và không có sức nặng để gỡ các thiết bị của Mỹ, nhưng ông sẽ hợp tác để vừa lòng Mỹ. THAAD sẽ không thể bỏ được, nhưng Hàn Quốc có thể làm chậm trễ quá trình triển khai THAAD để không chọc tức Triều Tiên và chọc giận Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng, sắp tới đây, việc hoàn chỉnh THAAD sẽ chậm hơn nhưng chắc chắn hơn.

Dưới thời ông Moon trong 5 năm tới, liên minh Mỹ-Nhật-Hàn vẫn là xương sống trong chính sách đối ngoại của tổng thống Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Moon sẽ phải điều chỉnh biên độ quan hệ với Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ. Sự điều chỉnh này sẽ trong giới hạn mà Mỹ chịu đựng được, chứ không vượt qua vạch đỏ.

Cảm ơn ông!

Nhân dịp ông Moon Jae-in được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc, ngày 10/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi điện mừng.

Ngày 10/5, tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tổ chức cuộc họp báo đầu tiên ngay sau khi nhậm chức. Tại đây, ông công bố việc bổ nhiệm ba thành viên mới trong nội các của mình. Ông Lee Nak-yon, Thống đốc tỉnh Nam Jeolla, được bổ nhiệm làm Thủ tướng; ông Suh Hoon được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia và ông Im Jeong-seok được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng tổng thống.