Tản mạn chuyện rượu ngày Xuân

TPO - Tôi không rõ rượu đã có từ bao giờ. Nhưng chắc rằng rượu đã xuất hiện từ lâu trên trái đất này.

Trừ một số nước do quan niệm về tôn giáo cấm uống rượu (nếu ai uống mà bị bắt, sẽ bị phạt rất nặng), còn hầu hết các nước từ Đông sang Tây, từ nước giàu đến nước nghèo đều dùng rượu. Còn người xài loại rượu nào thì phụ thuộc vào túi tiền và sở thích của cá nhân mình.

Các cụ nhà ta ngày xưa có câu “nam vô tửu như kỳ vô phong”, khuyên nam giới nên uống một chút rượu, rồi các cụ lại dặn con cháu “không được đam mê tưủ, sắc”.

Cuộc vui nào có chút rượu cay cay thì cũng vui và làm người ta phấn chấn. Vào dịp Lễ hội, Tết nguyên đán lại càng đằm thắm hơn khi có chén rượu quê cùng với miếng trầu cho thắm môi các bà, các chị em.

Sự “điều độ” trong thưởng thức rượu vào dịp vui xuân bao giờ cũng đưa lại niềm hạnh phúc trọn vẹn. Nếu qúa đi là biến cuộc vui thành “cuộc buồn”. Từ thành thị đến thôn quê, còn để xảy ra nhiều chuyện buồn do không “điều độ” và không biết “chỗ dừng” trong sử dụng rượu ở các cuộc vui, nhất là các bạn trẻ mới lớn và ở những người “có tâm tư buồn” gì đó.

Rượu là một yếu tố làm cuộc vui thêm đậm đà, nhưng rượu cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều điều đổ vỡ. Do vậy, nên nhớ một điều là xã hội quan tâm đến mọi người, nhưng mọi người cũng cần quan tâm đến xã hội, góp phần giảm thiểu tiêu cực trong sinh hoạt. Điều đó tốt cho mọi nguời, cho mọi nhà và cho xã hội.

Mặc dù Nhà nước đã có quy định về sản xuất và lưu hành rượu, nhưng hình như rượu vẫn lưu hành tràn lan. Nông thôn thì “Nhà nhà nấu rượu, người người uống rượu”.

Lúc say sưa, những người bị bệnh tật (bác sĩ khuyên là không nên uống rượu bia) vẫn cứ “trăm phần trăm”, “cạn chén”. Uống rượu vào sinh ra đủ loại bệnh tật, như tim mạch, gan, thận, tiểu đường,...gây bao nhiêu phiền muộn cho gia đình, xã hội, tác hại đến hạnh phúc gia đình và quan hệ họ hàng làng xóm.

Việc phê phán uống rượu “qúa chén” cần được quan tâm nhiều hơn và tích cực trong việc quản lý sản xuất và lưu hành rượu. Người lớn nên gương mẫu và đừng dạy trẻ em uống rượu, vui một chút trước mắt, nhưng hại cả đời con trẻ.

Các nước giàu có, như các nước Bắc Âu chẳng hạn, họ vẫn dùng rượu trong các dịp vui, lễ tết,... Nhưng việc sản xuất và lưu hành rượu được kiểm soát rất chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh đối với những người không chấp hành luật.

Trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành bị cấm uống rượu bia và tuyệt đối không được mua, bán rượu. Nguời bán rượu bia rất tự giác chấp hành quy định của Nhà nước. Người dùng rượu cũng rất “điều độ”. Người Thụy Điển có câu châm ngôn “Điều độ là điều tốt nhất”, không những họ “điều độ” trong rượu bia, mà “điều độ” trong mọi lĩnh vực chính trị-xã hội.

Buổi sáng họ không bao giờ dùng rượu bia; buổi trưa cũng vậy (Nếu có khách ngoại quốc, thì để chiều khách, họ có thể mời rượu vang hoặc bia nhẹ).

Nhân đây, tôi cũng xin kể chuyện vừa vui, vừa buồn là một số “quân ta” đi ra nước ngoài nhiều lúc cũng có thói quen là uống rượu bia cả buổi sáng, buổi trưa.

Sau khi uống rượu, vào các buổi sáng  hoặc buổi chiều làm việc, nhiều “vị nhà ta” cứ gật gà, gật gù, thậm chí có “vị” còn ngáy o o trong lúc diễn giả Tây cứ thuyết trình và tranh luận sôi nổi.

Chắc họ cũng “thông cảm” cho các bạn Việt Nam này là “làm việc nhiều, nên mệt”. Song người trong cuộc, nhiều lúc mình cảm thấy xấu hổ với bạn bè và cần rút kinh nghiệm. 

Điều này cho thấy không những người bình dân bị rượu bia mê hoặc, mà cả những người có học vấn đi ra nước ngoài vẫn bị nhiễm “vi rút rượu Việt Nam”.

Nguời Bắc Âu nhìn chung chỉ uống rượu vào buổi tối sau khi làm việc, lúc nghỉ ngơi và ít trường hợp bị “ma men” lôi kéo. Lái xe mà bị cảnh sát phát hiện có độ cồn trong máu vượt khỏi mức cho phép sẽ bị phạt nặng, như tước bằng có thời hạn hoặc vô thời hạn, thu giữ xe,... Do vậy, những người đi dự tiệc thường có lái xe riêng hoặc đi tắc-xi cho an tâm.

Trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đã làm được một điều rất có ý nghĩa là cơ bản triệt tiêu được việc sản xuất và sử dụng pháo Tết tràn lan, gây ra không biết bao tai họa và tốn kém bạc tỷ cho gia đình và xã hội, mặc dù tập quán đốt pháo đã trở thành ca dao ngày Tết “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” hàng trăm năm trước.

Bây giờ chúng ta làm sao phát huy được kết qủa đó để giảm dần và đi đến xóa bỏ tệ nạn sản xuất và sử dụng rượu tràn lan, gây ra nhiều đau khổ và tốn kém.

Nếu làm được việc này, chúng ta sẽ góp phần đưa xã hội phát triển văn minh hơn. Rượu và thưởng thức rượu cũng là một nét đẹp văn hóa của nhiều dân tộc. Chúng ta cố gắng làm sao thiết lập được nét văn hóa đẹp trong lĩnh vực này.

Tết Bính Tuất, mọi nguời Việt xa gần đều có nhiều niềm vui để chia sẻ với nhau, là mùa đoàn tụ gia đình, người thân, gặp gỡ bạn bè, người tri kỷ, song cũng còn bao nhiều điều canh cánh bên lòng là phải làm sao để đất nước thoát ra khỏi danh sách các nước kém phát triển, tiếp tục công việc xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, bão lụt và giúp đỡ những người neo đơn, không nơi nương tựa, những người khuyết tật, những nạn nhân chất độc màu da cam,...

Do vậy, ta vui Xuân, ta vẫn vui, nhưng đừng để “ma men” hoành hành và luôn luôn nhớ “điều độ” và biết “chỗ dừng”, nhớ đến trách nhiệm công dân.

Chúng ta cầu mong cho đất nước mãi mãi yên vui và mọi nhà, mọi người từ thành thị đến thôn quê, từ vùng đồng bằng đến vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa... đều được hưởng niềm hạnh phúc và hơi ấm của Mùa Xuân đang về trên mọi miền Tổ quốc.

Hạnh phúc và niềm vui đơn sơ, nhưng trọn vẹn là điều mong muốn của mọi người; và làm cho Xuân Bính Tuất 2006 trở thành điểm sáng.

Đinh Tích
Đại sứ Việt Nam tại Philippines