Sáng nay (4/6), Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì Môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới năm 2023.
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, nhân loại đang phải đối mặt với những vấn đề hết sức bức thiết về môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương, khai thác, sử dụng tài nguyên biển thiếu bền vững. Đây là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.
Ông Khánh cho biết, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm, nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững.
Nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần tạo ra sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường, từng bước thay thế sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện.
Tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu 6 giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Một là, thống nhất trong nhận thức và hành động, ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương, khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển.
Hai là, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển. Đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và đại dương, bảo đảm phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái.
Ba là, ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển.
Bên cạnh đó, xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt.
Bốn là, tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới, khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển, nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới.
Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy. Triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Năm là, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Sáu là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
Tại lễ phát động, Bộ trưởng kêu gọi mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trở thành hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. "Chúng ta cần phát huy các tiềm năng lợi thế của biển, thực hiện phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho Việt Nam ta tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai sống hài hòa với thiên nhiên vào năm 2050", ông Khánh nói.
Ô nhiễm rác thải đang là vấn đề môi trường toàn cầu lớn thứ hai, chỉ sau biến đổi khí hậu. Năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.
Ngày Môi trường thế giới năm 2023 tiếp tục chọn chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” với trọng tâm là thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).