Tam Chúc sẵn sàng cho Đại lễ VESAK

TP - Chùa Tam Chúc Kim Bảng (Hà Nam) được đánh giá là quần thể lớn nhất thế giới, những ngày này tấp nập đón tiếp 1.650 đại biểu trên 120 quốc gia và trên 20 nghìn Phật tử thập phương, trong đó có các vị Tăng vương, Tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các Giáo hội…
Trung tâm Hội nghị Quốc tế- nơi diễn ra các nghi lễ và hoạt động chính của VESAK 2019

Hàng nghìn Phật tử vinh dự làm tình nguyện viên

Để kịp thời phục vụ sự kiện quan trọng này, đội ngũ cán bộ nhân viên của khu du lịch Tam Chúc từ hai tháng nay đã gồng mình làm việc thâu đêm để đảm bảo các hạng mục xây dựng, cảnh quan kịp thời cho việc tổ chức Đại lễ Vesak 2019.

Chiều 11/5, lễ rước hoa từ TP Phủ Lý về chùa Tam Chúc diễn ra với hàng nghìn tăng ni phật tử, các đại biểu tôn giáo bạn cùng tham gia để chuẩn bị cho lễ khai mạc Đại lễ và sáng 12/5.

Đặc biệt, Đại lễ năm nay sẽ đón các nguyên thủ quốc gia: Tổng thống Myanmar; Thủ tướng Nepal; Phó Tổng thống – Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ; Chủ tịch Thượng viện Bhutan; Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và quan chức bộ trưởng của các nước sẽ tham dự Đại lễ. Ngài Phó Tổng thống Ấn Độ H.E. Mr. M.Venkaiah sẽ là diễn giả chính của Đại lễ. Ngoài ra, Đại lễ còn đón hơn 20 vị Đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện các tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự.

Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, lãnh đạo Ban Trị sự Giáo hội 63 tỉnh, thành phố cả nước, các tăng ni tiêu biểu; lãnh đạo các tôn giáo bạn cùng hơn 20.000 phật tử, nhân dân trong và ngoài nước tham dự.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gửi thông điệp tới VESAK 2019, nhấn mạnh: “Trong dịp lễ hội thiêng liêng đối với hàng triệu người trên thế giới này, chúng ta, dù là Phật tử hay không Phật tử, hãy cùng suy nghiệm về cuộc đời đức Phật nhằm tiếp nhận nguồn cảm hứng từ những lời dạy minh triết của Ngài. Trong thời điểm gia tăng sự bất bình đẳng và thiếu độ lượng hiện nay, thông điệp của đức Phật về bất bạo động và phụng sự tha nhân trở nên thích ứng hơn bao giờ hết”.

Thông điệp của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định: “Đại lễ Vesak LHQ là dịp để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm và tôn vinh tư tưởng nhân văn cao quý của đạo Phật, đặc biệt là tinh thần khoan dung, vị tha, hòa hợp và hòa bình. Trải qua hàng nghìn năm, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị, bồi đắp giá trị văn hóa, đạo đức của các dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam.”

Cửa chùa luôn rộng mở

Trò chuyện với Tiền Phong, Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Tổng thư ký BTC Đại lễ VESAK 2019 cho biết, tính tới thời điểm hiện nay, với nỗ lực của hàng nghìn công nhân, và người dân địa phương tích cực làm việc 24/24; đến nay, các hạng mục của quần thể chùa Tam Chúc trên diện tích hơn 5.000ha đã cơ bản hoàn thiện.

Trong đó, trọng tâm là Trung tâm Hội nghị quốc tế sẽ diễn ra các chương trình nghị sự Vesak, bao gồm lễ khai mạc, bế mạc, các hội thảo, diễn đàn… Phía trước tòa nhà này thiết lập các trung tâm an ninh, báo chí, y tế. Toàn bộ khu vực này sẽ được lực lượng an ninh, cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ những người có thẻ đại biểu, thẻ báo chí mới được vào.

Các khu vực còn lại ở chùa Tam Chúc sẽ diễn ra các hoạt động cầu nguyện cho hòa bình, hội chợ triển lãm, văn hóa ẩm thực, các hoạt động nghệ thuật chào mừng Đại lễ, bắn pháo hoa… các phật tử có thẻ sẽ được đi lại tự do. Ban Tổ chức đã phát ra 20 nghìn thẻ Phật tử. Cửa chùa luôn rộng mở, nên những người dân, du khách không có thẻ Phật tử vẫn được vào chùa để chiêm bái Phật, tham dự các hoạt động tâm linh, văn hóa nghệ thuật.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh ở TP Phủ Lý (Hà Nam) - tình nguyện viên nói, mấy ngày qua dù phải làm việc rất căng thẳng, song tôi thấy đây là một niềm vinh dự. Vinh dự vì mình làm sạch đẹp quê hương, sạch đẹp đường sá, chùa Tam Chúc để đón du khách. Chị Thanh cho rằng, nhờ có công trình chùa Tam Chúc mà du khách trong nước và quốc tế biết đến Hà Nam. Ngoài vinh dự, chị còn có nhiều bà con sinh sống gần chùa Tam Chúc kiếm lời từ việc kinh doanh buôn bán.

Anh Nguyễn Ngọc Minh ở thị trấn Ba Sao, Kim Bảng (Hà Nam) cho biết, cách đây chục năm về trước, khu vực Tam Chúc chỉ là trại tù, trại phong heo hút, và toàn xe tải chở đá, cát bụi bay tung tóe khiến người dân không khỏi nghẹt thở. Từ khi chùa hoàn thiện, du khách nườm nượp đổ về, đường sá được dọn dẹp sạch sẽ hơn, môi trường thông thoáng hơn.

Theo anh Minh, dù không phải là Phật tử nhưng việc xây dựng ngôi chùa, đặc biệt là nơi diễn ra Đại lễ Vesak đã khiến cuộc sống gia đình bình an và hít thở bầu không khí trong lành hơn. Anh Minh cầu chúc cho Đại lễ thành công, cầu cho quốc thái dân an và cho thế giới được hòa bình nhân dịp này.

Bộ tem đặc biệt chào mừng Đại lễ Vesak 2019

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát hành chính thức bộ tem đặc biệt chào mừng Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak LHQ) 2019. Buổi lễ chiều 11/5 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo quốc tế Tam Chúc có sự chứng minh và tham dự trang trọng của HT. GS. TS Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ.

Bộ tem của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty TNHH MTV Tem Bưu chính được ra mắt có hình ảnh chính là tượng Phật uy nghi, phía sau tượng Phật là hình ảnh lá bồ đề, tỏa hào quang, soi sáng muôn nơi mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân loại. Bên cạnh đó là hình ảnh chùa Tam Chúc, nơi diễn ra Đại lễ Phật đản cùng hình ảnh rồng thời Lý (thời kỳ đạo Phật phát triển nhất). Phía dưới là hình ảnh hoa sen và mây trời biểu hiện cho sự giao thoa giữa trời và đất, mang lại cuộc sống yên bình.

Mẫu tem này là một thông điệp đa chiều góp phần tôn vinh giá trị truyền thống Phật giáo Việt Nam, luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong nhiều thiên niên kỷ, tiếp tục góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, hòa bình, phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế. Giá tem là 4.000 đồng. Bộ tem có thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 11/5/2019 đến 31/12/2020. Cùng với đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho ra mắt mạng xã hội Phật giáo với tên truy cập butta.vn.