Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:

Tại sao trao đặc ân đấu giá nợ xấu cho VAMC?

TP - “VAMC mới được thành lập gần đây và chưa đánh giá được hiệu quả hoạt động. Tại sao lại trao đặc ân quá lớn trong đấu giá nợ xấu cho một doanh nghiệp mới thành lập như vậy?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề chiều 14/9 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu giá tài sản.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, không nên trao đặc ân đấu giá nợ xấu cho VAMC. Ảnh: CTV.

Xem xét không giao cho VAMC đứng ra bán nợ xấu

Theo Điều 54, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản quy định, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được tự đấu giá hoặc ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá để thực hiện việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà công ty đã mua. Dự thảo luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua...

Băn khoăn với quy định trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: Các ngân hàng phát sinh nợ xấu, rồi thành lập ra VAMC để mua lại nợ. Nói mua nhưng thực chất là hạch toán (khoanh nợ) hết, chứ không có tiền để mua. Thành ra báo cáo nói nợ xấu còn 3%, dưới 3% GDP theo nghị quyết của Quốc hội là chưa chính xác.

“Các ngân hàng phát sinh nợ xấu, rồi thành lập ra VAMC để mua lại nợ. Nói mua nhưng thực chất là hạch toán hết, chứ không có tiền để mua. Thành ra báo cáo nói nợ xấu còn 3%, dưới 3% GDP theo nghị quyết của Quốc hội là chưa chính xác” 

Chủ tịch Quốc hội NguyễnThị Kim Ngân

“Nói giảm nợ xấu của ngân hàng A, ngân hàng B, ngân hàng C, nhưng cuối cùng phần giảm đó đem về để ở VAMC. Trong khi đó ông này còn chưa bán được, vẫn treo ở đó. Bây giờ giao cho ông này tự đi đấu giá, tôi thấy không bảo đảm tính minh bạch, không rõ ràng. VAMC mới được thành lập gần đây và chưa đánh giá được hiệu quả hoạt động. Tại sao lại trao đặc ân quá lớn trong đấu giá nợ xấu cho một doanh nghiệp mới thành lập như vậy?”, khẳng định trao cho VAMC “đặc ân” như vậy là vô lý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thận trọng khi đưa vào quy định cứng trong luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng bày tỏ sự “không yên tâm” khi tài sản Nhà nước lại giao cho VAMC có quyền lựa chọn tự đấu giá. Cho rằng VAMC là mô hình mới, rất mới ngay cả trên thế giới, tính hiệu quả chưa được tổng kết, đánh giá, theo ông Chiến, cần phải cân nhắc nếu đưa vào luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị chưa vội luật hóa và phải báo cáo với Quốc hội, xem việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua đến đâu. Trước những ý kiến lo ngại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng kết, để không đưa quy định này vào, đặc biệt khi nợ xấu đang được coi là “hiện tượng bất thường”.

Tránh “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, những tiêu cực, kẽ hở trong đấu giá tài sản là vấn đề rất lớn cần phải tính toán kỹ. Bởi lâu nay có nhiều doanh nghiệp èo uột, làm ăn kém hiệu quả nhưng hồ sơ lại rất hoành tráng, rồi từ đó xuất hiện nhiều “công ty ma”.

Ông Việt đề nghị luật ban hành, làm sao việc đấu giá tài sản phải đặt lợi ích của Nhà nước lên trên hết, chứ không phải là tổ chức, hay cá nhân nào đó.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật, tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng đề nghị đối với những loại hình đấu giá như chứng khoán, hay đấu giá từ thiện cần phải hết sức cân nhắc, không đưa vào luật này mà nên thực hiện theo các luật chuyên ngành để đảm bảo tính thống nhất. Đặc biệt, việc đấu giá tài sản phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tránh “quân xanh, quân đỏ”…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, đấu giá chứng khoán có cách thức, thủ tục khác biệt so với bán đấu giá thông thường, nên ban soạn thảo thống nhất chưa quy định vào trong luật. Tương tự đấu giá nhằm mục đích từ thiện cũng không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này.