Tại sao cuốn sách của NXB Đại học quốc gia bị thu hồi và tiêu hủy?

TP - Vẫn thường nghe, quý hồ tinh bất quý hồ đa. Từng đã có thi sĩ một bài thơ, nhạc sĩ một ca khúc sáng giá. Và ắt có nhà khảo cứu, học giả chỉ riêng có một công trình nghiên cứu giá trị? Ấy là đang nói đến trường hợp của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công (HTC).
Sách của NXB ĐHQG Hà Nội

Nhà nghiên cứu HTC bị mất cắp như thế nào?

Trong giới viết lách phê bình và địa hạt ngôn ngữ học, cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu” của HTC (NXB Hội nhà văn in 3 lần năm 2017) tiếp tục được tái bản có bổ sung, sửa chữa để bản in 2018 thêm gần 100 trang so với bản in năm 2017 (bản in 2017 gồm 561 trang, bản 2018 có 656 trang). Sách in 1.500 cuốn, khổ 26x24 cm, giấy trắng và tốt hơn bản 2017, bìa được trình bày lại, và cán láng.

Cuốn sách bắt mắt độc giả ấy, HTC đột ngột nhưng chững chạc ló dạng với tư cách một học giả!

Và cũng chính nhân vật HTC cũng là nguyên nhân khiến Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội (NXB ĐHQGHN) vừa phải hủy một cuốn sách dày gần ngàn trang mới xuất bản.

Cuốn sách, công trình nghiên cứu của HTC đã độc đáo. Tác giả của nó có lẽ còn lạ hơn? HTC tuổi mới chỉ quá tứ thập chút. Lại chẳng học hàm học vị hay ở một cơ quan nghiên cứu nào cả. HTC là anh nhân viên ở Trung tâm khuyến nông thuộc Sở nông nghiệp Thanh Hóa. Nhưng chả phải những kẻ quê mùa nay đã thành trí thức/ tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng. HTC đâu phải may, hên? Cái gì cũng có duyên do. Tốt nghiệp khoa ngôn ngữ ĐHTH Hà Nội xin tứ tán chả nơi nào nhận, mãi anh mới kiếm được việc ở Sở nông nghiệp quê nhà. May chăng là HTC có thân phụ là nhà nghiên cứu nổi tiếng Hoàng Tuấn Phổ. Những công trình của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã vượt qua ranh giới của một địa phương Xứ Thanh cũng như quốc gia. HTC được cha rèn cặp cho nhiều thứ thuộc địa hạt văn chương, nghiên cứu - nhất là vốn Hán học dần dà thêm tày tặn. Và tay ngang HTC đã sớm phát lộ lẫn nổi trội ở lãnh vực nghiên cứu ngôn ngữ.

Lâu lắm lại mới ngồi với HTC.

Nhà nghiên cứu trẻ này có vẻ sớm chững chạc nhiều thứ. Kiến văn đã đành. Ấn tượng nữa là tính cách. Khiêm nhường, kiệm lời và có vẻ sự được mất cấm có lộ ra mặt? Như đám bạn đang xuýt xoa là HTC vừa bị mất cắp nhưng trong câu chuyện, sắc diện, chất giọng HTC vẫn bình thản.

HTC mất gì?

Và đây là chuyện của HTC.

Chiều 18/2/2020, tôi ghé qua Nhà sách Việt Lý (TP Thanh Hóa), xem sách vở có gì mới không, thì bắt gặp cuốn từ điển dày dặn, gần ngàn trang, có tên “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của nhóm tác giả Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên, NXB ĐHQGHN - 2019; đơn vị liên kết và phát hành Công ty TNHH 1 thành viên TM&DV văn hóa Minh Long. Sách gồm 902 trang, in 3.000 cuốn, khổ 14,5x20,5 cm, in xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2019; giá bìa 230.000đ.

Không phải mất nhiều thời gian. Sau khi lật giở nhanh một số mục, tôi đã phát hiện ngay nhóm tác giả Dương Thị Dung – Đặng Thúy Hằng – Nguyễn Thảo Nguyên đã đánh cắp, sao chép rất nhiều cách giải thích công phu, độc đáo, lần đầu tiên được công bố của tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công) trong khoảng thời gian gần 10 năm qua.

(Trong câu chuyện, nhà nghiên cứu HTC bất ngờ đề nghị người viết bài này không được dùng chữ thuổng, hoặc luộc lại hay đạo văn! HTC bộc bạch rằng tôi làm ngôn ngữ nên phải gọi sự vật bằng cái tên của nó, họ đã ăn cắp, đánh cắp!)

Ai đã đánh cắp?

 Trở lại câu chuyện. HTC khẳng định nhóm tác giả Dương Thị Dung – Đặng Thúy Hằng – Nguyễn Thảo Nguyên chủ yếu ăn cắp từ một số nguồn như:

1. Các bài giải thích thành ngữ tục ngữ đơn lẻ của HTC đăng rải rác trên trang Tuấn Công Thư Phòng, từ năm 2013 đến 2018.

2. Loạt bài “Nguyễn Cừ đã giải thích tục ngữ Việt Nam như thế nào?”, phê bình cuốn sách “Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam” đăng nhiều kỳ (cụ thể đăng 4 kỳ trên Tuấn Công Thư Phòng cùng nhiều trang mạng khác, từ năm 2014).

3. Bài “Những sai lầm của Nguyễn Đức Dương trong “Từ điển tục ngữ Việt” đăng trên “Tạp chí Văn hóa dân gian” - Viện nghiên cứu Văn hóa số 4 tháng 8/2013), sau đó đăng lại trên Tuấn Công Thư Phòng.

4. Các bài viết giải thích thành ngữ tục ngữ đăng trên báo “Người Lao Động” và đăng lại trên Tuấn Công Thư Phòng trong nhiều năm qua (tất cả đều công bố trước khi sách của Dương Thị Dung – Đặng Thúy Hằng – Nguyễn Thảo Nguyên xuất bản).

 Theo HTC, cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ đã phạm phải những sai lầm ngớ ngẩn!  Họ đã hồn nhiên thu thập và giải thích cả những đơn vị hoàn toàn không phải là thành ngữ, tục ngữ. Đó là các cụm từ: “Cảu nhảu càu nhàu”, “Cạnh tranh sinh tồn”, “Cai đầu dài”, “Cưới chạy tang”, “Của đáng tội”, “Còn mồ ma”, “Còn mặt mũi nào”, “Chê ỏng chê eo”… Điều này cho thấy nhóm biên soạn đã thiếu kiến thức về ngôn ngữ học nói chung, và thành ngữ tục ngữ nói riêng.

Vẫn theo HTC, nhóm tác giả nói trên đã phát lộ một lỗi sơ đẳng nhưng khá nặng là đã nhầm lẫn giữa việc khảo cứu và việc làm từ điển. Chẳng hạn, mục từ “Mồ cha không khóc, khóc đống mối, mồ mẹ không khóc, khóc bối bòng bong” đã được chép và ghép từ nhiều đoạn giải thích của tác giả HTC từ những công trình trước. Mục từ này giăng chật cả 1 trang. Nếu như công trình khảo cứu của HTC có quyền dài, thì từ điển lại phải cần sự ngắn gọn súc tích.

Mục tài liệu tham khảo của cuốn sách chỉ liệt kê vỏn vẹn 5 đầu sách. Tất nhiên không có tên HTC, cũng không có bất cứ thông tin nào về nhóm tác giả 5 đầu sách ấy. Không những luộm thuộm tùy tiện mà còn thiếu đi sự tự tin đĩnh đạc danh chính ngôn thuận. Tức là sách không có… lời nói đầu. Rồi các mục từ lộn xộn, có mục có nghĩa đen, có mục không. Sách có tên khá hoành tráng là Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam, nhưng lại hoàn toàn bặt vắng mục thành ngữ tục ngữ của các dân tộc tiêu biểu như Thái, Mông, Ba Na, Ê đê…

Nhiều khảo cứu công phu của tôi bị nhóm tác giả chép nguyên xi. Có khi dài tới nửa trang, hoặc tóm tắt hoặc thay đổi tí chút. Có chỗ ăn cắp ý, ăn cắp cách giải thích mới mà trước tôi chưa có ai từng giải thích!

Tất cả đều không có một dòng chú thích, dẫn nguồn. Thậm chí mục “Tài liệu tham khảo” của nhóm Dương Thị Dung – Đặng Thúy Hằng – Nguyễn Thảo Nguyên, cũng không hề dẫn bất cứ nguồn tài liệu nào mang tên HTC.

Những điều trên đã được HTC đưa trên trang nhà Blog TuanCongthuphong.

 Hiệu ứng tức thì. Chỉ ít hôm sau thời điểm tiếp cận với cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam ở hiệu sách nọ, chuông điện thoại HTC đổ dồn. Đầu dây bên kia, một giọng phụ nữ từ tốn muốn được gặp HTC tại nhà riêng với nội dung muốn trao đổi với HTC về nội dung HTC bức xúc trên Blog về cuốn Từ điển…. Ngạc nhiên sao họ biết được số điện thoại cùng địa chỉ nhà của HTC?

hoto: ..,, Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công

HTC quyết định gặp. Một người phụ nữ đứng tuổi xuất hiện. Tự giới thiệu mình từng là biên tập viên của một nhà xuất bản nọ đã nghỉ hưu nay đang làm thêm cho NXB ĐHQGHN. Người phụ nữ cũng tự nhận mình thay mặt cho nhóm biên tập cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam. Bà thành thực nhận lỗi và xin lỗi HTC chân thành vì đã để xảy ra việc “cóp nhặt” là “sơ suất và không có chủ ý”!

 Tiếp nữa là động thái rụt rè có chút quà mọn mong anh thông cảm kèm cái phong bì dầy cộp.

Cái giá của mình là ở độ dày của chiếc phong bao kia? HTC lặng lẽ, trầm ngâm…

Và cũng rất nhanh, HTC đẩy lại cái phong bao về phía người lạ và đứng dậy.

Người đàn bà nọ vẫn tươi như không. Chất giọng thanh thanh đang hối hả gói nhanh gọn một phương án. Đó là mong HTC bỏ qua lỗi này và vui lòng hợp tác với họ, cụ thể giúp họ biên tập lại để cùng sản xuất chế tạo một công trình Từ điển… chất lượng và trả lại tên cho anh. Họ sẽ không để anh thiệt!?

Một chút tò mò, HTC muốn biết tên cụ thể các thành viên trong nhóm biên tập mà anh mang máng họ chỉ dùng bút danh?

Quả như phỏng đoán, người phụ nữ cười nhũn nhặn anh biết cụ thể tên họ mà làm gì…  Rằng nhóm tác giả hiện cũng đang gặp sức ép lớn từ vụ việc này và mong anh rộng lượng bởi họ đang còn trẻ nếu ép quá thì sợ có điều không hay xảy ra với họ!

Ý nghĩ như một luồng điện loáng nhanh trong đầu nhà nghiên cứu trẻ HTC họ không sợ làm sai, chỉ sợ cái sai của mình bị phát hiện.

Động thái đứng bật dậy của chủ nhà đã kết thúc chóng vánh câu chuyện lẫn cuộc gặp.

Tôi ngỏ cái ý muốn biết tên người phụ nữ thay mặt nhóm làm sách nọ? Nhưng HTC chỉ thể hiện cái cười lặng lẽ cố hữu!

Và rất nhanh loang rất xa, rất mau cái tin trên Facebook của HTC chuyện anh bị đánh cắp! Một vài tờ báo đã phản ánh đã lên tiếng ủng hộ HTC.

Đáng nể thay sức mạnh của công luận. Nhưng cũng phải nói thêm, hiện tại đơn vị liên kết xuất bản với NXB ĐHQGHN vẫn chưa chịu công bố danh tính thật của nhóm tác giả làm sách Từ điển… theo yêu cầu của người bị hại HTC.

 May thay mới đây đã có Quyết định thu hồi và tiêu hủy cuốn sách Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của NXB ĐHQGHN (QĐ 71/ QĐ-NXB ngày 25/2/2020). Đó là một việc kịp thời và… dũng cảm nữa! Cũng nhiêu khê khá tốn kém khi phải hủy (chưa biết cái phương thức thu hồi và hủy diễn ra như thế nào?) ba ngàn cuốn sách tày tặn là thế. Cũng tiếc cho NXB ĐHQGHN, cuối năm ngoái vừa được phần thưởng cao quý là được Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia trao tặng Giải thưởng Sách năm 2019.

Có lẽ ban lãnh đạo NXB đã dũng cảm làm việc ấy thì cũng nên can đảm dấn tiếp cái việc đáp ứng yêu cầu chính đáng của nhà nghiên cứu HTC là trưng ra tên các thành viên đã can dự vào việc, như HTC gọi sự vật bằng cái tên của nó là ăn cắp công trình khoa học của HTC. Có lẽ đã đến thời điểm các nhà chức việc để mắt đến việc này một khi đã có những chứng cứ cụ thể.

Chia tay người vừa bị mất cắp, ngỡ như chất giọng buồn rầu của HTC cứ dai dẳng đeo bám… Rằng, vụ “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của nhóm tác giả đã ăn cắp mang tính tập thể. Ăn cắp để làm nên loại sách khuôn vàng thước ngọc, dày tới gần ngàn trang. Lại xuất bản ở một địa chỉ tên tuổi là NXB ĐHQGHN số lượng tới 3.000 cuốn.

  Rằng trước nay việc ra sách từ điển ở các địa hạt lĩnh vực nhất là dành cho đối tượng các cháu học sinh có rất nhiều khiếm khuyết và bọn bất lương đã kiếm chác kha khá. Đã đến lúc các nhà chức việc, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải chấn chỉnh kiên quyết bài bản.

Sách của NXB ĐHQG Hà Nội