Ông Mai Thế Bày, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Viện KSNDTC) cho biết, một số Hiệp định đã quy định về vấn đề này, như Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Trên thực tế đã có một số cơ quan tiến hành tố tụng (trong nước hoặc nước ngoài) đề nghị được tham gia một số hoạt động tố tụng trong quá trình thực hiện tương trợ tư pháp tại bên được yêu cầu. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS 2003 không có quy định về vấn đề này nên không có căn cứ thực hiện.
Ông Bày cho biết thêm, Viện KSNDTC đã nhận được một số yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài đề nghị áp dụng một số các biện pháp thu giữ, phong tỏa, kê biên tài sản đang có ở Việt Nam được xác định có nguồn gốc từ hành vi phạm tội ở nước ngoài, song gặp vướng mắc vì chưa được pháp luật quy định.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công an, tính đến nay đã có 60 đối tượng được chuyển giao từ Việt Nam sang nước ngoài và 50 đối tượng từ nước ngoài về Việt Nam qua kênh Interpol, Aseanpol.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã gặp nhiều khó khăn về pháp lý như nguyên tắc có đi có lại, các văn bản pháp luật quy định khác nhau…
Hiện pháp luật quốc tế như các công ước của Liên Hợp Quốc liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm ma túy hay tội phạm tham nhũng mà Việt Nam là thành viên đều có các điều khoản khuyến nghị các quốc gia thành viên nội luật hóa các quy định về vấn đề này.
Đây là một trong những hoạt động tương trợ tư pháp rất phổ biến hiện nay. Do đó, Viện KSNDTC kiến nghị xem xét quyết định biện pháp thu giữ, phong tỏa, kê biên, tịch thu, trả lại tài sản có nguồn gốc phạm tội trên cơ sở yêu cầu của nước ngoài.
Đề nghị nước ngoài áp dụng các biện pháp thu giữ, phong tỏa, kê biên, tịch thu, trả lại tài sản có nguồn gốc phạm tội trên cơ sở yêu cầu của cơ quan tố tụng Việt Nam.
Tại Hội thảo rà soát pháp luật về tương trợ tư pháp do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (23-8), bà Đặng Hoàng Anh, Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, các quy định tương trợ tư pháp về hình sự trong Bộ luật TTHS 2003 chỉ mang tính nguyên tắc, thiếu các điều khoản điều chỉnh những vấn đề đặc thù riêng cho các hoạt động tố tụng.
Cụ thể, thiếu các điều khoản quy định về thời hạn tố tụng áp dụng trong trường hợp vụ án có yêu cầu nước ngoài thực hiện tương trợ, các quy định về trình tự, thủ tục tống đạt các giấy tờ, tài liệu tố tụng cho người tham gia tố tụng ở nước ngoài…
“Luật Tương trợ tư pháp vẫn còn những khoảng trống so với thực tiễn nhu cầu tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, ví dụ như trình tự thủ tục thực hiện việc dẫn giải người đang chấp hành hình phạt tù để cung cấp chứng cứ, triệu tập người làm chứng, người giám định, việc lấy lời khai qua cầu truyền hình”- bà Oanh nói.
Tại hội thảo, một số ý kiến cũng đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về tương trợ tư pháp, ngoài lĩnh vực hình sự, các lĩnh vực dân sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù cũng còn nhiều khoảng trống so với yêu cầu thực tế.