Theo dự thảo đề án, việc kiểm soát thu nhập nhằm tạo điều kiện cho người có chức vụ, quyền hạn minh bạch thu nhập, không cản trở gia tăng thu nhập chính đáng.
Đây là cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về minh bạch thu nhập và kiểm soát thu nhập, đồng thời định hướng cho việc thiết lập và duy trì cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát thu nhập, phòng chống tham nhũng.
Theo đó, đề án xác định đối tượng phải kiểm soát thu nhập trước mắt cần tập trung vào những người đang giữ cương vị, có chức vụ, ở những vị trí có điều kiện và khả năng dẫn tới tham nhũng cao.
Những đối tượng mà dự thảo đề án đề cập sẽ bị kiểm soát thu nhập gồm:
Ở Trung ương có các chức danh như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội; Các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN, các Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Viện trưởng Viện KSND TC, Chánh án TAND TC; các Bộ trưởng, Thứ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; trưởng và phó các ban của Đảng, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của QH; Thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể ở T. Ư...
Ở địa phương, các chức danh sẽ phải kiểm soát thu nhập gồm: Bí thư, Phó Bí thư tỉnh, thành ủy trực thuộc T.Ư; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND và HĐND cấp tỉnh, thành phố thuộc T.Ư; các chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) có mức phụ cấp chức vụ từ hệ số 1,05 trở lên ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể...
Ngoài ra, các cán bộ lãnh đạo trong các doanh nghiệp Nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp gồm: Các thành viên HĐQT, Tổng và Phó tổng GĐ, GĐ và Phó GĐ, kế toán trưởng và cán bộ lãnh đạo cấp phòng... cũng thuộc diện phải kiểm soát thu nhập.
Kiểm soát những loại thu nhập nào?
Dự kiến, tháng 6/2007, đề án được hoàn thiện và trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ và quyền hạn.
Sau đó, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định cụ thể về các giải pháp kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn...
Theo dự thảo đề án, thu nhập thuộc phạm vi kiểm soát là toàn bộ các khoản thu nhập bằng tiền phát sinh trong năm của các đối tượng thuộc diện kiểm soát thu nhập, với 3 loại thu nhập, gồm:
Thu nhập theo chế độ nhà nước quy định (tiền lương và các khoản phụ cấp lương, tiền phúc lợi, tiền thưởng, thu nhập từ kết quả nhận khoán); Thu nhập từ những hoạt động khác gắn với công việc của cán bộ, công chức, viên chức (thu nhập từ tham gia dự án, nghiên cứu, viết đề án, đề tài; tiền thù lao hội thảo, hội nghị, tập huấn trong và ngoài nước; tiền thù lao từ viết báo, tạp chí, giảng bài; thu nhập từ quảng cáo, tiếp thị; thu nhập từ kinh doanh chứng khoán, góp vốn, mua bán, thanh lý tài sản; thừa kế...); Các khoản thu nhập khác như: Tiền bản quyền, trúng thưởng xổ số...
Kiểm soát như thế nào?
Để thực hiện việc kiểm soát thu nhập, dự thảo đưa ra các phương thức và cơ chế kiểm soát. Theo đó, các đối tượng thuộc diện kiểm soát thu nhập phải mở tài khoản tại ngân hàng, kho bạc để tiếp nhận các khoản thu nhập từ tiền lương, ngoài lương vào tài khoản và thực hiện việc kê khai các khoản tiền mặt nhận trực tiếp.
Với những nơi chưa có điều kiện mở tài khoản thì cá nhân phải kê khai toàn bộ thu nhập phát sinh theo hàng quý, tổng hợp thu nhập hàng năm nộp cho cơ quan, đơn vị mình công tác.
Các đối tượng kê khai phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của nội dung kê khai và có trách nhiệm giải trình, chứng minh các khoản thu nhập đã kê khai khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Với các khoản thu nhập như: Thu nhập có nguồn gốc không rõ ràng, thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên và thu nhập bất thường (thu nhập từ bán và chuyển nhượng tài sản...), cá nhân bắt buộc phải giải trình.
Trường hợp đối tượng không giải trình được nguồn gốc các khoản thu nhập nói trên thì cho phép đối tượng tự nguyện nộp vào ngân sách nhà nước.
Hàng năm cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào kê khai thu nhập của đối tượng kiểm tra tính đúng đắn của các nguồn thu nhập. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu khai man, khai thiếu thu nhập, có đơn thư tố cáo liên quan đến thu nhập hoặc phục vụ cho việc bổ nhiệm, bầu cử, bãi nhiệm...thì cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành việc điều tra, xác minh thu nhập.
Tài sản sẽ bị tịch thu nếu không giải trình được nguồn gốc
Để quy định về kiểm soát thu nhập được thực hiện hiệu quả, dự thảo đề án đưa ra 3 trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý, cụ thể: Đối tượng thuộc diện bị kiểm soát thu nhập không chịu mở tài khoản hoặc mở tài khoản nhưng không sử dụng; Việc kê khai thu nhập không trung thực.
Khi điều tra, xác minh phát hiện các khoản thu nhập không kê khai có giá trị lớn nhưng người kê khai không giải thích được nguồn gốc khoản thu nhập hoặc nguồn gốc không rõ ràng, hoặc không giải trình được thì thu nhập đó bị coi là bất hợp pháp.
Và thu nhập bất hợp pháp đó sẽ bị tịch thu vào ngân sách nhà nước, đồng thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra kết luận xem người kê khai đó có cấu thành tội tham nhũng hoặc rửa tiền hay không.
Trung Quốc: Không giải trình được nguồn gốc tài sản bị coi là tham ô
Theo quy định của pháp luật Trung Quốc hiện hành, mỗi năm 2 lần, công chức phải kê khai tài sản, quà cáp, cán bộ lãnh đạo phải kê khai rõ các nguồn tài sản, thu nhập như: Tiền tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, đồ dùng trị giá từ trên 10.000 NDT (tương đương khoảng gần 20 triệu VNĐ)...
Nếu công chức không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình thì bị coi là tham ô.