Ngày 9/12, báo Tiền Phong đăng tải bài viết “Nở rộ chặn đường dựng rạp cưới”, phản ánh, cứ vào dịp cuối năm tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường ở địa bàn các xã Hữu Bằng, Phùng Xá, thị trấn Liên Quan… huyện Thạch Thất và một số huyện của Hà Nội diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến giao thông. Đáng nói, khu vực này có nhiều hộ gia đình sản xuất, buôn bán các mặt hàng gỗ, thép nên lưu lượng xe cộ đi qua rất đông.
Ngay sau đó, Thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng Công an huyện Thạch Thất cho biết sẽ sớm kiểm tra, yêu cầu lực lượng cơ sở nhắc nhở người dân không dựng rạp, lấn chiếm lòng đường để đảm bảo an ninh trật tự và giao thông. “Chúng tôi liên tục tuyên truyền cho người dân về việc thiếu an toàn khi dựng rạp đám cưới. Có thể sẽ phải xử lý một số trường hợp để răn đe”, ông Hoàn nói thêm.
Trưởng Công an huyện Thạch Thất hứa sẽ xử lý, nhưng theo phản ánh của bạn đọc, tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường ở địa bàn các xã Hữu Bằng, Phùng Xá… vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Kháo sát thực tế của phóng viên cũng cho thấy, các rạp cưới vẫn thường xuyên được dựng trên đường, đặc biệt, vào thời điểm sát Tết, đám cưới nhiều, việc dựng rạp diễn ra thường xuyên hơn.
Ông Nguyễn Văn Chuẩn (55 tuổi, trú tại xã Hữu Bằng) cho biết: “Cứ nhà có việc gì là người ta dựng rạp ra đường, ăn uống hát hò suốt mấy ngày. Người lớn không làm việc được, trẻ con sao mà học hành. Xã nào cũng có nhà văn hóa để phục vụ việc hiếu hỉ cho bà con nhưng không thấy ai tổ chức ở đó. Nếu xảy ra hỏa hoạn, cứu thương thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của người dân khi tổ chức sự kiện gia đình là trách nhiệm chính quyền. “Nếu lực lượng công an vì tình cảm, chấp nhận cho người dân chặn đường dựng rạp, tổ chức rình rang mấy ngày liền, khi xảy ra hỏa hoạn, cấp cứu, xe chuyên dụng không tiếp cận hiện trường kịp thời thì chuyện gì sẽ xảy ra? Trong quá khứ có rất nhiều vụ tai nạn giao thông do dựng rạp dưới lòng đường, lỡ có chiếc xe tải nào mất lái, hay lái xe trong cơn say bia rượu lao vào thì hậu quả sẽ rất thảm khốc”, ông Thủy nói thêm.
Khoản 5 Ðiều 12 Nghị định 100/2019/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng trái phép lòng đường để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông. Khoản 1 Ðiều 261 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cản trở giao thông đường bộ, mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ở Khoản 3 mức phạt có thể là từ 5 năm đến 10 năm tù nếu hậu quả xảy ra là làm chết từ 3 người trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.