Vẫn sử dụng tràn lan
Sau 4 tháng kể từ ngày báo Tiền Phong có loạt bài “Hít bóng cười, người ra bã”, chúng tôi trở lại những tụ điểm ăn chơi bậc nhất Hà Nội này. Trước đó, khi bị cơ quan Công an lập biên bản, xử phạt, ông Nguyễn Minh Anh, quản lý quán bar Hybra Ultra Lounge 32 Mã Mây khẳng định sẽ rút kinh nghiệm và không tái phạm. Nhưng lời nói của vị quản lý này nhanh chóng tan theo làn khói khí cười trong bar Hybra Ultra Lounge. Vẫn theo lệ cũ, nếu không gọi điện đặt bàn, khách chơi không có cửa bước chân vào đây. Bar Hybra Ultra Lounge cách UBND phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) vài bước chân nên an ninh giờ có vẻ như nghiêm ngặt hơn khi luôn có bảo vệ túc trực.
Khi khách bước qua cánh cửa, nhân viên đón tiếp sẽ phân loại khách ngay: “Anh có hít bóng không, nếu có em sẽ xếp bàn anh trên tầng 2”. Dưới tầng 1 là những thanh niên (đa phần người trẻ) đang hò hét, lắc lư theo tiếng nhạc chát chúa. Trên tầng 2 của quán, cảnh chơi bóng cười vẫn diễn ra ngang nhiên. Nhân viên trên tay cầm những quả bóng sẵn sàng “dí” vào miệng những tay chơi đang thèm khát. Tiếng nhạc, mùi khói thuốc, khí cười mờ ảo khiến khách chơi như rơi vào thế giới u mê.
Rời khỏi bar Hybra Ultra Lounge, bước dọc phố Mã Mây, chúng tôi bắt gặp những lời mời vào chơi tại nhiều bar khác trong khu vực. Theo lời mời và khẳng định “có bóng ngon”, chúng tôi trở lại Sniff bar 46 Mã Mây, đây cũng là quán mà Tiền Phong đã phản ánh về tình trạng mua bán bóng cười diễn ra công khai trong các bài trước đây. Khác bar Hybra Ultra Lounge, Sniff bar bố trí một lực lượng nhân viên hùng hậu đến mức, cứ mỗi một bàn khách được dẫn vào sẽ có một nhân viên đi theo chăm sóc từ đầu cuộc chơi cho đến khi ra về. Bên trong vẫn là tiếng nhạc xập xình, những vũ nữ ăn mặc hở hang, uốn éo. Những thanh niên “mặt búng ra sữa” miệng ngậm bóng cười, đầu lắc lư theo điệu nhạc là cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi. Cạnh nhà vệ sinh là bình khí cười loại lớn sẵn sàng nhả khói vào những trái bóng đưa ra phục vụ khách.
Khoảng 23h30 phút, khi cuộc vui của những tay chơi trong bar chỉ vừa mới bắt đầu, chúng tôi rút khỏi quán. Tìm số trực ban của Công an quận Hoàn Kiếm, chúng tôi liên lạc báo về tình trạng sử dụng bóng cười trong quán bar. Phía đầu dây nhấc máy, có người tiếp nhận địa chỉ rồi cúp máy. Sau hơn 1 tiếng chờ đợi ngay cửa quán, chúng tôi không thấy ai đến kiểm tra.
“Thứ nhất, chúng ta phải quản lý chặt chẽ, siết tất cả các khâu trong sản xuất, mua bán, tổ chức sử dụng khí cười. Thứ hai, phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện cơ sở lý luận, thực tiễn và thực trạng vấn đề này. Thứ ba, cần tham khảo kinh nghiệm của các nước. Tiến tới, tôi nghĩ phải đề xuất, kiến nghị trước Quốc hội để các đại biểu quan tâm cho ý kiến”.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
Cần xem xét quản lý như ma túy
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá, khí cười (N2O) nằm trong danh mục khí độc hại, có thuộc tính gây nghiện, là hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp do Bộ Công thương quản lý. Khí cười có thuộc tính gần tương tự ma túy như gây nghiện, ảo giác, gây sốc. Sử dụng bóng cười tạo cảm giác hưng phấn, dùng nhiều gây mất kiểm soát và sốc bóng cười cũng giống như sử dụng ma tuý. Vài năm trở lại đây, báo chí cũng nêu, khí cười có tính độc hại không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ giống nòi. Thực tế, việc sử dụng bóng cười trở thành trào lưu, có thời điểm rầm rộ trong giới trẻ.
Theo Thiếu tướng Xuân, hiện nay, chế tài xử phạt hành chính hành vi sản xuất, kinh doanh trái phép khí cười còn ở mức nhẹ, chưa đủ sức răn đe, tập trung chủ yếu về vấn đề sản xuất, kinh doanh hoá chất. Còn việc quản lý đối với người tiêu thụ, sử dụng vẫn còn bỏ ngỏ. “Nếu chỉ dừng ở việc xử phạt hành chính so với lợi nhuận thu được trong các bar, vũ trường thì rất khó quản lý. Chúng ta cần phải có chế tài mạnh hơn, nhất là đối với người sản xuất, kinh doanh, mua bán; trước hết, phải tăng mức hình phạt hành chính. Nếu vi phạm đến lần thứ 2, thứ 3 cần xem xét xử lý hình sự. Đặc biệt cần có chế tài xử lý nghiêm việc tổ chức sử dụng bóng cười (tương tự như tổ chức sử dụng ma túy)”, Thiếu tướng Xuân nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho hay, nhìn ra thế giới, Chính phủ Anh, Hà Lan đang xem xét cấm bán và sử dụng khí cười. Một số nước khác đang có biện pháp quản lý khí này chặt hơn. Chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm của các nước để nghiên cứu vận dụng trong quản lý khí cười vào thời gian tới. Muốn sửa luật chúng ta phải tham khảo kinh nghiệm của các nước và phải có khảo sát, đánh giá toàn diện thực tiễn và khoa học.
Theo Thiếu tướng Xuân, vừa qua nhiều cơ quan báo chí (đặc biệt là báo Tiền Phong) đã lên tiếng về thực trạng sử dụng, kinh doanh khí cười; Bộ Công an đã có những cảnh báo. Để quản lý được vấn đề này, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan công an, chúng ta cần coi đây như trách nhiệm của mình, của các bậc phụ huynh, của nhà trường và cả xã hội cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động cho giới trẻ.