Tác phẩm 'Dưới bóng Lam Hồng' của phóng viên báo Tiền Phong vào đề thi

TPO - Trước khi in thành sách (NXB Văn học), tác phẩm "Dưới bóng Lam Hồng” của tác giả Quang Long, đã được đăng nhiều kỳ trên báo Tiền Phong và tạp chí Tri thức trẻ.

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh (Nghệ An) vừa tổ chức thi học kỳ 2 cho học sinh lớp 9. Trong đó, đề thi môn Ngữ văn dành được nhiều sự chú ý của dư luận. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đề thi độc đáo, gần gũi, khơi gợi được nhiều ý tưởng triển khai cho học sinh.

Đặc biệt ở phần Đọc hiểu của đề thi, câu 1 đã trích một đoạn ngắn trong cuốn bút ký "Dưới bóng Lam Hồng" của nhà báo Quang Long (báo Tiền Phong). Đây là tác phẩm được xuất bản bởi nhà xuất bản Văn học vào năm 2014, với những trang viết lay động tình người.

Trước khi được xuất bản thành sách, bút ký “Dưới bóng Lam Hồng” của nhà báo Quang Long, đã được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Tri Thức Trẻ- Chuyên san của báo Tiền Phong. Ngoài ra, cuốn sách này còn tập hợp nhiều tác phẩm báo chí của nhà báo Quang Long đã đăng tải trên báo Tiền Phong từ năm 2000 đến năm 2014.

Bút ký “Dưới bóng Lam Hồng” của nhà báo Quang Long

Đề thi môn Ngữ văn của học sinh lớp 9, thành phố Vinh, Nghệ An.

Đoạn trích của đề thi là ký ức của tác giả về bà nội: “Tiếng chổi sột soạt ngoài sân làm chúng tôi bừng tỉnh. Bà nội thường dậy rất sớm, có hôm bà dậy dọn dẹp đồ đạc trong nhà, có hôm tờ mờ sáng đã thấy bà bó gối ngồi một mình bên bếp than. Những hòn than đã bén lửa, rực cháy khiến góc nhà bừng sáng. Ánh sáng hắt ra từ đám lửa soi tỏ khuôn mặt răn reo dãi dầu vì mưa nắng. Những nếp nhăn của mồ hôi nhọc nhằn quảy gánh đường trơn, của tháng năm bôn ba xuôi ngược. Nếp nhăn trầm lặng của một đời người yên phận, không bao giờ cất tiếng thở than. Có điều chi không vui, bà cứ thui thủi một mình giữa khoảng sân vắng lặng nhìn ra trước ngõ. Có hôm mưa về đột xuất, tôi cứ lặng ngắm bà ngồi khắc khoải, miên man. Giá như tôi có thể cất giữ, tạc bà vào đâu đó, để suốt đời bà sống mãi, không bao giờ mất đi…”,

Nhận xét về đoạn trích của đề thi, các độc giả chia sẻ: “Đoạn văn giàu cảm xúc. Nhiều người đọc cảm nhận mình ở trong đó”; “Ấm áp, nhiều tình cảm, kỷ niệm”.

“Đây là sự đột phá có điểm nhấn của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh khi chọn những cuốn sách về tuổi thơ, về người thân yêu để trích đoạn, ra đề”, một phụ huynh nhận xét về đề thi.