Đề không chỉ yêu cầu học sinh trả lời 4 câu hỏi ở phần đọc hiểu mà từ suy nghĩ của mình, các em viết một đoạn văn về sứ mệnh “đánh thức tiềm lực” đất nước của mỗi cá nhân là vấn đề rất hay, sâu sắc. Tuy nhiên, tác giả cũng cho rằng, với độ tuổi của học sinh THPT thì đây là một tác phẩm khó. “Trong trường phổ thông, học sinh chưa được học về các vấn đề lớn, bởi vậy các dạng đề tài như thế này có thể các cháu sẽ gặp khó khăn”, nhà thơ nói.
Nhà thơ cũng cho rằng, nhà trường nên để học sinh làm quen với các dạng đề như vậy để học sinh có sự trăn trở, suy nghĩ. Ở thời đại hiện nay, chúng ta không chỉ dạy học sinh phải bảo vệ, giữ gìn quê hương đất nước nữa mà phải suy nghĩ, làm sao để nâng tầm đất nước lên. Ông cho rằng, chương trình sách giáo khoa hiện nay quá cũ, các vấn đề đưa ra dạy học sinh vẫn còn thiên về thời kỳ chiến tranh, xây dựng hình tượng các anh hùng hoặc vẻ đẹp thiên nhiên... Ông cũng chia sẻ niềm vui không chỉ vì tác phẩm của mình được vào đề thi mà còn vì đề văn năm nay ra theo hướng mở, buộc thí sinh phải suy nghĩ, trăn trở trước vấn đề lớn đặt ra của xã hội và đất nước.
Nguyễn Duy cho biết, bài thơ được viết năm 1980, khi đó ông mới 32 tuổi. Cuộc sống đói khổ, thiếu ăn thường xuyên. Tầng lớp trí thức khi đó, nhiều người cũng phải chăn nuôi lợn ngay trong căn hộ để cải thiện đời sống. Đi qua các cuộc chiến tranh, ông trăn trở rất nhiều trước vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước thời bấy giờ. “Tôi viết bài thơ trong niềm hi vọng vào tiềm lực con người, về tiềm lực rừng vàng biển bạc. Đến thời điểm này, nhìn lại thấy chúng ta chưa phát huy được nhiều. Vì thế, qua đề thi lần này hi vọng lớp trẻ nhận thức được thực trạng, mường tượng được tương lai, từ đó có suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân đối với đất nước”, ông nói.