Theo AP, cuộc hội đàm Nga-Mỹ dự kiến tổ chức vào ngày mai, 28/8, tại thành phố The Hague (Hà Lan) nhằm thảo luận các kế hoạch tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria.
Cuộc họp dự kiến bao gồm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford và hai Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Gennady Gatilov và Mikhail Bogdanov.
Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “cuộc hội đàm bị hủy bỏ vì quá trình tham vấn của chính phủ Mỹ về phản ứng với cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria ngày 21/8”, theo AP.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gatilov cùng ngày cũng chính thức lên tiếng cho rằng, Moscow lấy làm tiếc trước việc Mỹ hoãn cuộc hội đàm. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng khẳng định, việc hoãn cuộc hội đàm là quyết định đơn phương của Mỹ.
Mỹ sẽ tấn công Syria vào tuần tới?
Động thái của Washington đưa ra trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều thông tin cho thấy, Mỹ và đồng minh đang gấp rút hoàn thiện kế hoạch về một cuộc can thiệp quân sự vào Syria.
Giới chức Liên Hợp Quốc cho biết, ngày 26/8, các chuyên gia Liên hợp quốc tại Syria đã thu thập được bằng chứng "có giá trị" về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học gần Damascus, bất chấp bị tấn công bằng súng bắn tỉa.
Phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết sau khi bị tấn công, phái đoàn Liên hợp quốc đã quay trở lại hiện trường vụ tấn công hồi tuần trước và thăm hai bệnh viện.
Theo đó, các chỉ huy quân sự Mỹ và Anh đang phác thảo danh sách các mục tiêu tiềm năng để tấn công, trong một chiến dịch tương tự với giai đoạn mở đầu trong cuộc can thiệp của phương Tây vào Libya để lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Trong chiến dịch đó, các lực lượng phương Tây đã sử dụng không quân và hải quân để yểm trợ cho các chiến binh nổi dậy trên mặt đất, chứ không trực tiếp đổ quân vào Libya.
Hiện lực lượng Hải quân Mỹ đang tăng cường số lượng tàu khu trục mang tên lửa hành trình tại Địa Trung Hải từ ba lên bốn tàu bằng việc trì hoãn đưa tàu khu trục lớp Arleigh Burke, USS Mahan trở về Mỹ.
Trong khi đó, tàu sân bay USS Harry S Truman đã rời Địa Trung Hải vào cuối tuần trước và đi qua Kênh đào Suez vào Biển Đỏ. Theo các chuyên gia quốc phòng, tàu này vẫn có thể tấn công Syria từ phía Nam Suez. Ngoài các máy bay tấn công trên tàu Truman, những tàu hộ tống của tàu khu trục này cũng có khả năng bắn tên lửa hành trình Tomahawk.
Theo Telegraph, có thể sẽ có một hành động quân sự của phương Tây nhằm vào Syria trong tuần tới.
Nga quyết cản bước phương Tây
Phản ứng trước những động thái cứng rắn của Washington, Ngoại trưởng Nga ngày 27/8 khẳng định, việc các nước phương Tây đe dọa tấn công quân sự Syria là trái với những thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G8 vừa qua.
Theo đó, mọi thông tin về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria đều phải được điều tra cẩn thận và chuyên nghiệp nhất. Kết quả điều tra phải được trình cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết, phương Tây đang tìm cách đổ riệt cho chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học để lấy cỡ tăng cường phương tiện chiến tranh đến khu vực và kêu gọi, đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự chống chế độ Syria.
“Cả Mỹ, Anh và Pháp đều chính thức nói rằng, họ có những bằng chứng không thể bác bỏ về việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Họ không thể đưa ra những chứng cứ này, nhưng đồng thời lại nói là chế độ Assad đã vượt qua vạch đỏ, không thể chậm trễ hơn được nữa”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga.
Moscow cũng đưa ra lời cảnh báo các nước phương Tây “cần phải tỉnh táo” trước khi cân nhắc hành động quân sự với Syria để “tránh mắc phải những sai lầm bi thảm”.
Nga đã so sánh tình hình hiện nay xung quanh Syria với cuộc xung đột ở Iraq năm 2003.
Tùng Dương tổng hợp