Suýt mất mạng vì theo 'việc nhẹ, lương cao'

TP - Theo lời các đối tượng lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, anh Hoàng Văn Quyết (SN 1990), dân tộc Tày, trú tại khu Pò Mục, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn đã xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Thế nhưng, sau đó bị ép làm việc cật lực, bị đánh đập, tra tấn. Khi trốn chạy về nhà, anh vẫn rùng mình, ám ảnh về những ngày tháng nơi xứ người.

Khi về quê, anh Quyết đến trình diện, khai báo với cơ quan công an. Ảnh: Duy Chiến

Trò chuyện với người dân trong bản, anh Quyết không ít lần rơi nước mắt, uất ức không nói nên lời. Đầu năm 2022, thông qua giới thiệu của một người gần nhà, anh Quyết liên lạc qua mạng xã hội với một đối tượng lạ mặt trú tại huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Người này nói, đi Campuchia không mất phí, được bao trọn gói, lại tìm được việc nhẹ lương cao, công việc chính là chỉ ngồi máy tính, làm game, lương tháng 900 USD (tương đương khoảng hơn 21 triệu đồng/tháng). Nghe vậy, Quyết đồng ý.

“Sang nước bạn, tôi và khoảng 10 người ở các huyện Lộc Bình và Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn được đưa vào làm trong công ty do người Trung Quốc làm chủ. Nhưng công việc không phải làm game như được giới thiệu, cũng không có hợp đồng. Tôi và các nạn nhân khác bị ép làm công việc lừa đảo từ các ứng dụng trên không gian mạng để chiếm đoạt tài sản, chủ yếu là người Việt Nam. Với 2 điện thoại di động và có sẵn tài khoản zalo được cấp, họ yêu cầu chúng tôi kết bạn, nhắn tin, gọi điện cho khách hàng có nhu cầu làm việc bán thời gian tại nhà, làm cộng tác viên chốt đơn hàng và sẽ được hưởng hoa hồng. Cộng tác viên sẽ được hoàn lại tiền cộng với hoa hồng 10% một số đơn hàng đầu tiên để tạo lòng tin, những đơn hàng sau đó khi họ chuyển tiền đều bị chiếm đoạt”, anh Quyết kể lại.

“Bây giờ may mắn trở về được, tôi sẽ tìm công việc ở trong nước để sinh sống, dù gì thì ở quê hương đất nước mình là an toàn nhất”.

Anh Hoàng Văn Quyết

Theo anh Quyết, trong thời gian hơn nửa năm, anh bị “bán” qua nhiều công ty và mọi người Việt Nam như anh bị ép chỉ tiêu mỗi ngày phải lừa kiếm doanh thu lớn được ấn định, nếu không sẽ bị phạt tiền hoặc bị tra tấn dã man như đánh đập, bỏ đói, còng tay chân và ghế sắt rồi chích điện.

Giờ nghĩ lại, Quyết không nghĩ mình còn cơ hội sống sót trở về quê hương, bởi nơi anh làm như một đặc khu, có lực lượng “đầu gấu” canh giữ nghiêm ngặt. Nhưng anh quyết tâm “dù có chết cũng chết trên đất Việt Nam”, nên một số người đã bàn bạc, chọn thời điểm là ngày 18/8 khi lực lượng bảo vệ sơ hở thì bỏ trốn, bơi qua sông Bình Di, tỉnh An Giang về nước.

“Tôi may mắn thoát chết. Còn 9 người cùng quê xứ Lạng đi cùng chuyến xuất ngoại với tôi đến nay vẫn chưa có tin tức, không biết sống chết ra sao!?”, anh Quyết bày tỏ.