Bộ Quốc phòng Nga ngày 4/10 xác nhận đã điều một hệ thống tên lửa S-300VM đến căn cứ hải quân ở thành phố Tartus, Syria nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho các lực lượng vũ trang triển khai tại nước này diệt phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), theo Sputnik.
Giới quan sát nhận định S-300VM, kết hợp với các hệ thống vũ khí đã được triển khai, sẽ tạo thành một lưới phòng thủ bất đa tầng, sẵn sàng tiêu diệt mọi mối đe dọa với quân đội Nga trên không phận Syria.
Cuối tháng 11/2015, Nga đã triển khai hệ thống phòng không S-400 tối tân đến căn cứ không quân Hmeimim, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga trong khu vực biên giới Syria.
S-400 là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao có thể phát hiện mục tiêu cách xa 400 km ở độ cao 40-50 km. Hệ thống này được cho là có thể tiêu diệt phương tiện bay của đối phương trong khoảng cách 5-400 km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km.
Trong khi đó, S-300VM "Antey-2500" (NATO định danh là SA-23 Gladiator/Giant) là hệ thống chống tên lửa đạn đạo mới của Nga, được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và ngắn với tầm phóng lên đến 2.500 km, các mục tiêu là tên lửa hành trình, tên lửa phóng từ không gian, máy bay chiến thuật và chiến lược, cũng như vũ khí điều khiển chính xác.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự của Sputnik, S-300VM và S-400 đều có những tính năng vượt trội riêng, có thể bổ sung lẫn nhau để tạo ra một hệ thống phòng thủ hoàn hảo.
Trước đó, Nga đã điều tàu chiến trang bị hệ thống phòng không S-300FM, liên tục tuần tra trên vùng biển ngoài khơi khu vực Tartus để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, việc triển khai tên lửa phòng không trên biển như vậy đòi hỏi phải liên tục thay đổi tàu chiến.
Vị trí thành phố Tartus, Syria. Đồ họa: BBC.
Các hệ thống S-300FM này cũng khiến lực lượng bảo đảm an ninh cho Tartus bị lệch về phía nam và đông nam, bởi tàu tuần dương Moskva trang bị tên lửa S-300FM cũng chỉ bao quát được một nửa diện tích trên đất liền.
Dù IS không có máy bay hay tên lửa hành trình có công nghệ tàng hình nhưng lại hoàn toàn có thể sản xuất tên lửa từ vật liệu sẵn có và phóng đi từ khoảng cách gần sử dụng bệ phóng nhỏ vào căn cứ quân sự của Nga ở Syria, khiến hệ thống phòng thủ tầm xa như S-400 hay tên lửa trên biển khó có thể tiêu diệt mục tiêu.
Đây là lý do Moscow cần đến hệ thống S-300VM. Một lý do khác nữa là trong vụ pháo kích nhằm vào Đại sứ quán Nga ở Damacus mới đây, hệ thống S-400 tỏ ra không có tác dụng, bởi chỉ mạnh ở khả năng phòng thủ tầm xa.