Sữa học đường: Ai hưởng lợi?

TPO - Lãnh đạo Sở GD &ĐT Hà Nội khẳng định, sữa học đường được bổ sung các vi lượng và khoáng chất cần thiết để bảo đảm việc phát triển chiều cao và trí tuệ của học sinh.

Ai hưởng lợi?

Chương trình sữa học đường với vốn đầu tư nghìn tỷ từ ngân sách là chủ đề nóng thu hút truyền thông và sự quan tâm trên các diễn đàn mạng xã hội những ngày qua.

Trước đó, ngày 8/7/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.

HĐND thành phố Hà Nội cũng đã thông qua nghị quyết từ ngày 5/7/2018 nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Theo đó, trẻ sẽ uống sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường, được Hà Nội đặt hàng làm riêng. Sữa bổ sung một số vi lượng, khoáng chất, không bán trên thị trường và có tem mác riêng. Đơn vị xây dựng tiêu chuẩn vi chất để bổ sung vào sữa cho học sinh Hà Nội là Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.

Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.

Chương trình đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường dự kiến ngày 1/10 sẽ được hoãn đến ngày 10/10 vì bổ sung tiêu chí hồ sơ mời thầu.

Lý do là vì ngày 21/9/2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới nhận được công văn số 4801/ATTP-KN của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường.

Cục An toàn thực phẩm gửi kèm theo công văn số hiệu 437/DDHĐ&NN của Viện Dinh dưỡng ngày 17/9/2018 khuyến nghị bổ sung 3 vi chất.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đến nay đã có 11 đơn vị đăng ký tham gia đấu thầu dự án Sữa học đường của Hà Nội. Để tạo điều kiện cho đông đảo nhà thầu tham gia, sở sẽ kéo dài thời hạn đấu thầu dự án Sữa học đường đến ngày 10/10, thay vì 1/10 như công bố trước đó.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Nhiều phụ huynh học sinh và giáo viên rất đồng tình với chương trình sữa học đường tại Hà Nội khi học sinh được tài trợ ít nhất 50% giá sữa. Tuy nhiên, xung quanh chất lượng, giá thành và quy trình triển khai cho học sinh uống sữa vẫn còn nhiều lo ngại.

Nhiều phụ huynh chia sẻ, khi cầm tờ phiếu đăng ký từ con, cha mẹ dù có băn khoăn thì vẫn xác định cuối cùng là đồng ý. Chẳng lẽ trong lớp phần lớn các bạn uống sữa con mình lại không, nên cần đồng thuận, dù cũng chưa biết các con uống loại sữa gì?

Một phụ huynh ở Long Biên biết thêm, chị gặp cô chủ nhiệm, chị có hỏi các con được uống loại sữa gì thì cô giáo nói chưa biết. Vì vậy, chị dặn con, khi nào được phát sữa thì chưa uống ngay mà mang về để gia đình xem đó là loại sữa gì, hạn sử dụng ra sao… rồi từ đó mới sử dụng. “Tuy nhiên, nếu chất lượng sữa tốt, trong khi áp dụng chương trình này các cháu được trợ giá một nửa tiền sữa thì rất nên tham gia”- phụ huynh này nói

Trao đổi với Tiền Phong, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) lo lắng: Nhà trường rất khó kiểm tra chất lượng nguồn sữa và chưa biết công ty nào cung cấp. Cô Oanh cũng tỏ ra lo lắng về khâu bảo quản sữa tại trường.

Cũng theo cô giáo Oanh, Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo rằng nhà trường có thể yên tâm về chất lượng sữa, các lô sữa đưa vào trường học đều có nhãn mác, có số lô của nhà sản xuất.

Chuyên gia lên tiếng

Các chuyên gia kinh tế trong đó có PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, sữa học đường là chương trình tốt nhưng việc thực hiện cần thận trọng. Do có một nguồn tiền lớn từ ngân sách sẽ được dùng để hỗ trợ chương trình vì thế việc sử dụng nguồn vốn này thế nào và đối tượng nào được hưởng lợi là vấn đề cần làm rõ.

“Với chương trình này, nhất thiết phải cho đấu thầu công khai giữa các nhà cung cấp. Thực tế ở các nước, đấu thầu là hình thức cạnh tranh và mang lại hiệu quả cao nhất. Với chương trình lớn như sữa học đường, sẽ có nhiều nhà cung cấp muốn lobby, móc nối với đơn vị đứng ra tổ chức chương trình để giành được hợp đồng. Để hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra với chương trình sữa học đường, mất lòng tin của hàng triệu gia đình, việc đấu thầu phải thực hiện công khai, đúng trình tự của các quy định pháp luật”, ông Long đề xuất.

Cũng theo ông Long, để tránh việc đấu thầu hình thức, tránh tình trạng nhà cung cấp sữa “luồn cửa sau” hay “bắt tay dưới gầm bàn” với đơn vị tổ chức chương trình, toàn bộ quy trình đấu thầu hoàn toàn phải thực hiện công khai, và có sự giám sát của các cơ quan chức năng và báo chí trong tất cả các khâu. Còn nếu không sẽ là một chương trình để lại nhiều điều tiếng.