Sứ mệnh chưa thành của Thủ tướng Shinzo Abe

TP - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở lại cầm quyền cách đây 7 năm với lời hứa tăng cường năng lực quốc phòng để ứng phó với mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc và sẽ sửa hiến pháp hòa bình để phù hợp với tình hình mới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ảnh: cnn

Giờ đây, khi sắp trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất ở Nhật Bản, ông Abe đã giữ được lời hứa đầu tiên. Nhưng điều thứ hai vẫn còn xa. Nghĩa là, Tokyo vẫn gặp nhiều trở ngại để có thể trở thành một đồng minh ngang hàng với Washington, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu ca quan hệ này “không cân bằng”.

Ông Trump thậm chí từng gợi ý thay đổi hiệp ước an ninh hai chiều đóng vai trò nền tảng cho quan hệ đồng minh, trong bối cảnh Trung Quốc đang phô trương cơ bắp ở khu vực và Triều Tiên vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa.

Dưới thời ông Abe, Nhật Bản tăng 10% chi tiêu quốc phòng sau nhiều năm giảm. Trong một bước đi mang tính lịch sử năm 2014, chính quyền của Thủ tướng Abe giải thích lại hiến pháp để mở rộng hoạt động của SDF ra nước ngoài.

“Triết lý của ông Abe là chủ nghĩa dân tộc, và nếu không thay đổi Điều 9, Nhật Bản sẽ không thể độc lập khỏi thời kỳ Mỹ chiếm đóng. Tôi nghĩ ông ấy sẽ không bao giờ bỏ cuộc”, Yoshihide Soeya, giáo sư ngành khoa học chính trị tại ĐH Keio, nói với Reuters

Nhưng thực tế nhà lãnh đạo này không thể củng cố di sản của mình thông qua cách thay đổi Điều 9 của hiến pháp cho thấy dư luận Nhật Bản vẫn chưa thể chấp nhận việc đưa binh lính ra nước ngoài theo cách nhiều rủi ro hoặc tham gia những cuộc chiến do Mỹ dẫn dắt.

“Với người dân Nhật Bản, Điều 9 giống như Kinh thánh vậy”, Reuters dẫn lời ông Hajime Funada, một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ tự do cầm quyền và là cựu trưởng ban sửa đối hiến pháp, nhận xét.

Hiến pháp do Mỹ soạn ra bị phe bảo thủ ở Nhật Bản coi là biểu tượng thất bại đáng xấu hổ, nhưng những người khác lại coi là cái phanh cần thiết trước những xung đột nước ngoài. Đối với cả hai phe, sửa đổi Điều 9 là việc mang ý nghĩa biểu tượng lớn.

Theo một cuộc khảo sát do đài NHK thực hiện tuần trước, cử tri chấm điểm cao nhất cho các chính sách an ninh và đối ngoại của ông Abe. Nhưng cuộc khảo sát do báo Asahi Shimbun thực hiện đầu năm nay cho thấy 64% phản đối sửa Điều 9 và chỉ có 28% ủng hộ.

Bất kỳ hành động sửa hiến pháp nào cũng cần nhận được ủng hộ của 2/3 nghị sĩ ở cả hạ viện, thượng viện và được phần đông người dân ủng hộ bằng trưng cầu dân ý.

Năm 2007, ông Abe từ chức sau một năm lãnh đạo không thuận lợi. Ông trở lại cầm quyền vào tháng 12/2012. Hôm nay, ông sẽ vượt qua mốc kỷ lục 2.886 ngày tại nhiệm mà người tiền nhiệm Taro Katsura đạt được vào đầu thế kỷ 20. Nhiệm kỳ lãnh đạo đảng LDP của ông Abe kết thúc vào tháng 9/2021, trừ khi đảng này sửa quy định.

Sẽ không bỏ cuộc

Năm ngoái, một chương trình quốc phòng 5 năm được cấp khoản ngân sách 25,5 nghìn tỷ yen (233,7 tỷ USD), tăng 6,4% so với 5 năm trước, trong đó bao gồm chi phí để cải tiến 2 tàu chiến được coi như tàu sân bay của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai. Đây là bước đi nhằm tiến tới phát triển lực lượng hải quân viễn dương.

Một năm sau khi nội các giải thích lại hiến pháp, Quốc hội Nhật Bản thông qua luật nhằm cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, hoặc bảo vệ một nước bạn bè bị tấn công, nếu sự sống còn của Nhật Bản bị đe dọa.

Những bước đi đó tiếp tục đẩy căng giới hạn của Điều 9, điều mà về ngữ nghĩa là cấm Nhật Bản duy trì quân đội thường trực nhưng đã bị các chính quyền trước lách để thành lập lực lượng phòng vệ có vũ trang.

“Không còn nhiều dư địa để tận dụng thêm nữa”, ông Richard Samuels, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, đánh giá. “Dưới thời ông Abe đã có tiến triển nhanh nhất nhằm tạo thêm khoảng cách với Điều 9”, ông Samuels nói. Tuy nhiên, ông Abe đang bị dư luận và đảng liên minh Komeito ép phải thỏa hiệp.

“Về lý thuyết, ông Abe đã đặt nền móng để Nhật Bản tiến gần hơn đến việc hỗ trợ Mỹ trên chiến trường vì lợi ích chung. Nhưng tôi không nghĩ Nhật Bản sắp làm được điều đó”, GS Ellis Krauss, công tác tại ĐH California ở San Diego, Mỹ, đánh giá.