Chủ nhân cây đàn quý
Stéphane Trần Ngọc được biết đến như là một nghệ sĩ vô cùng may mắn khi sở hữu được cây vĩ cầm 300 năm tuổi. Những cây violin như vậy trên thế giới chỉ đếm đầu ngón tay và tất cả các nghệ sĩ đều mơ ước một lần cầm trên tay báu vật ấy.
Con đường đến với cây đàn triệu USD ấy cũng là giấc mơ vươn lên nơi đất khách quê người. Nghệ sĩ kể: “Tôi là người đầu tiên trong gia đình chơi nhạc. Gia đình tôi ở ngoại ô Paris. Bố tôi là người Việt Nam mẹ là người Pháp. Lúc ấy, trường nhạc gần chỗ tôi ở chỉ dạy piano và violin. Đối với một đứa nhỏ như tôi, mua một cây đàn piano là quá sức, bởi vậy tôi đã chọn violin. Trong nhà có vài cái đĩa ghi những bản nhạc vĩ cầm nên tôi rất thích nhạc cụ này”. Những cây đàn quý hiếm, Stéphane Trần Ngọc thường tìm kiếm để chơi chứ không phải sưu tầm. Ngoài violin ông chơi cả viola nữa. Ông có khoảng 5 cây đàn rất tốt như vậy.
Stéphane Trần Ngọc cho hay: “Cây vĩ cầm của tôi đã hơn 300 năm tuổi. Tôi không biết nhiều về quá khứ của cây đàn. Tôi đã sở hữu nó 25 năm nay. Cây đàn được chế tác bởi một nhà sản xuất người Ý, người đã tạo ra những nhạc cụ tuyệt vời Francesco Gobetti. Chỉ có khoảng 15 cây đàn như vậy được ông làm ra nên chúng rất có giá trị”. Stéphane Trần Ngọc cảm thấy mình “mắc nợ” với cây đàn quý: “Tôi vô cùng biết ơn vì được chơi nó và vì nó mà tôi không bao giờ thất bại trong việc thể hiện những gì tôi muốn bày tỏ”.
Tốt nghiệp Nhạc viện quốc gia Paris, đến Mỹ học tại Nhạc viện trực thuộc Đại học Brooklyn, Stéphane Trần Ngọc đã biểu diễn tại hơn 30 khán phòng hòa nhạc danh tiếng trên toàn thế giới cùng những dàn nhạc nổi tiếng: Dàn nhạc Thính phòng Paris, Dàn nhạc Quốc gia Ile-de-France, Dàn nhạc Giao hưởng Shinsei Nhật Bản…Stéphane Trần Ngọc cũng từng đoạt giải ở các cuộc thi lớn như Lipizer, Paganini, Liên hoan âm nhạc Aspen, Cuộc thi quốc tế Long-Thibaud năm 1990 (nơi ông đạt giải Grand Prix và giải thưởng của Khán giả bình chọn), Giải thưởng Grand Prix năm 1996. Trong những dịp khá hiếm hoi, ông biểu diễn tại Việt Nam với sự trông đợi rất lớn của giới biểu diễn chuyên nghiệp, bởi hơn ai hết, Stéphane Trần Ngọc mang trong mình dòng máu Việt Nam và kinh nghiệm thành công trên sân khấu quốc tế. “Phong cách của tôi là luôn cởi mở để khám phá những ý tưởng mới, tác phẩm mới và cách chơi mới” - Stéphane Trần Ngọc chia sẻ.
Trở về Việt Nam lưu diễn trong đêm duy nhất vào giữa tháng 7 tại TPHCM, người nghệ sĩ có mái tóc dài và cây đàn cổ biểu diễn tác phẩm của các tác giả Pháp như: Violin Concerto số 2 của Saint Georges, Havanise của Saint-Saens, Trích đoạn trong Thais của Massenet, Poeme của Chausson và Tzigane của Ravel. Tất cả được trình diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng HBSO dưới sự chỉ huy của giám đốc HBSO kiêm nhạc trưởng Trần Vương Thạch.
Ăn ngủ với đàn
Một nghệ sĩ lừng danh, một tiến sĩ âm nhạc, một nhà giáo giảng dạy ở các học viện âm nhạc danh tiếng tại Anh, Pháp… nhưng Stéphane Trần Ngọc vẫn luyện tập đàn mỗi ngày. Nói đúng hơn, đó là việc thực hành âm nhạc.
Stéphane Trần Ngọc giải thích: “Thực hành âm nhạc hàng ngày là rất cần thiết, thực hành không phải để chơi tốt nhất có thể, mà trước hết là để ngày hôm nay chơi tốt hơn ngày hôm qua”. Thực hành rộng hơn luyện tập âm nhạc chăm chỉ đơn thuần. “Không phải lúc nào cũng là thực hành kỹ thuật, mà có thể chỉ là về ý tưởng âm thanh. Âm nhạc cần thời gian để khám phá và phát triển nó trong mỗi con người” - Người nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng khẳng định.
Về Việt Nam biểu diễn, người nghệ sĩ được mệnh danh “ngón tay ma thuật” có “dịp khám phá một số tác phẩm mới, nhất là về Chevalier de Saint-Georges”. Chevalier de Saint-Georges là mẫu hình nhạc sĩ thành công khi vượt qua rào cản của nạn phân biệt chủng tộc bằng tài năng nghệ thuật. Ông là con ngoài giá thú của một địa chủ với một nữ nô lệ gốc Phi, viết nhạc trong hoàn cảnh bị kỳ thị. Tác phẩm Violin Concerto số 2 của Chevalier de Saint-Georges được Stéphane Trần Ngọc trình diễn lần đầu tiên tại Việt Nam.
Tìm về nguồn cội
“Phải thừa nhận rằng tôi không biết nhiều về âm nhạc Việt Nam, nhưng như tôi đã nói, tôi luôn hứng thú với những âm thanh mới” - Người nghệ sĩ thành danh ở châu Âu không biết nhiều tiếng Việt và chia sẻ với người viết bài cũng bằng tiếng Anh. Những lần về nước ngắn từ năm 1992 đến nay đã giúp Stéphane Trần Ngọc hiểu hơn về quê cha đất tổ: “Tôi nghĩ người Việt rất hào phóng và chân thành. Tôi thấy người Việt Nam rất tận tâm và chăm chỉ. Tất cả điều này đang được đền đáp, khi văn hóa, kiến thức, nhận thức trong xã hội ngày càng tốt hơn”.
Ông cho rằng nền âm nhạc cổ điển Việt Nam muốn phát triển hơn rất cần những phòng hòa nhạc chất lượng, những dàn nhạc chơi tốt hơn nữa và quan trọng “cần phải giữ chân giới nghệ sĩ trẻ Việt Nam tài năng, hoặc thu hút họ từ các nước trở về sau khi du học”.
Trả lời câu hỏi: “Ông có nghĩ mình là một trong những nghệ sĩ violin xuất sắc nhất thế giới hiện nay hay không?”, Stéphane Trần Ngọc khiêm tốn nói: “Có rất nhiều nghệ sĩ vĩ cầm giỏi trên thế giới. Tôi nghĩ điều quan trọng là tìm cách thể hiện bản thân một cách chân thành và trung thực”. Với ông, tâm hồn và cá tính âm nhạc là điều quan trọng hơn cây đàn triệu đô: “Kỹ thuật hoàn hảo là để người nghệ sĩ có thể bộc lộ được bản thân mình tốt nhất, để khán giả có thể nghe thấy giọng nói của người nghệ sĩ. Tôi thích nghe tiếng đàn của nhiều nghệ sĩ violin, bởi tôi thích nghe những giọng nói và ý nghĩ của họ!”.
Về Việt Nam, bận túi bụi với việc tập luyện cùng dàn nhạc, rồi vội vã trở lại châu Âu cùng cây đàn 300 tuổi, sự tận hưởng cảm giác quê hương của ông còn là những món ăn đường phố. “Tôi yêu các món ăn ở đây, đặc biệt là hải sản, vì tôi không ăn thịt động vật. Thức ăn đường phố có thể nói là tuyệt vời!” - ông chia sẻ.
Stéphane Trần Ngọc tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành violin và nhạc thính phòng tại Nhạc viện quốc gia Paris (Pháp) khi mới 15 tuổi, từng đoạt các giải thưởng: Lipizer, Paganini, Grand Prix... Ông đang học tiếng Việt và hy vọng sớm chơi được những bản nhạc của Việt Nam. “Hiện đang giảng dạy tại Paris, nhưng tôi cũng nghĩ đến việc sẽ dành thời gian giảng dạy cho các bạn trẻ tại Việt Nam” – ông nói.