Sốt sa mạc và hát cải lương trên sông Nile

TP - Ngày thi đấu “Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương 2010” tại Ai Cập, tất cả thành viên đội Việt Nam nằm gục vì sốt cao. Nhưng, kết thúc có hậu với màn ca cải lương mùi mẫn trên con sông dài nhất thế giới, trong tiếng pháo tay của bạn bè quốc tế.

> Việt Nam giành giải Nhì và Ba tại cuộc thi Robocon châu Á
> Nhật Bản vô địch ABU Robocon 2013

Trước giờ thi đấu.

Năm 2010, ĐH Lạc Hồng, lần đầu tiên vô địch cuộc thi sinh viên sáng tạo robot (Robocon) trong nước, đại diện Việt Nam dự thi quốc tế, tổ chức tại Ai Cập. Ngoài thành viên nòng cốt là đội tuyển của trường, đoàn Việt Nam còn có 3 nhà báo được trường mời tham dự chuyến đi, gồm nhà báo Võ Ba (báo Thanh Niên), nhà báo Hùng Thuật (báo Tuổi Trẻ) và tôi.

Không có chuyến bay thẳng sang Ai Cập, nên chúng tôi quá cảnh tại Thái Lan. Tại đây, tình cờ, chúng tôi gặp đoàn Trung Quốc cũng quá cảnh để sang Ai Cập. Quân số đoàn họ gấp vài lần đoàn Việt Nam. Gặp nhau, “tay bắt mặt mừng”, giao lưu, chụp ảnh chung, đôi bên cùng hứa hẹn sẽ tiếp tục gặp nhau ở trận chung kết. Thạc sỹ Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng, rỉ tai tôi: Trung Quốc chính là đối thủ của chúng ta ở trận chung kết. Thạc sỹ Hiển nhấn mạnh “trận chung kết”. Lời tiên đoán của thạc sỹ Hiển cuối cùng đã trở thành hiện thực.

Phóng viên Tiền Phong cùng Phó Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng Lâm Thành Hiển tại sân bay Cairo (Ai Cập).

Đến Ai Cập ngày 19/9/2010 để thử robot, chuẩn bị cho ngày thi đấu 22/9/2010. Gặp thời tiết khắc nghiệt của miền sa mạc (ngày nắng nóng, đêm rét mướt), khó khăn trong ăn uống vì không hợp khẩu vị và lệch múi giờ, tất cả thành viên đội tuyển ĐH Lạc Hồng lăn ra ốm nặng. Lúc đầu chỉ 1-2 thành viên. Hôm sau và hôm sau nữa, cả đoàn đều ốm nằm la liệt, sốt li bì, kể cả 3 nhà báo, trừ thạc sỹ Hiển còn có thể nhúc nhích. Thạc sỹ Hiển trở thành bác sỹ bất đắc dĩ của đoàn. Ngoài việc sử dụng hết cơ số thuốc thông thường giảm sốt, kháng sinh mang từ nhà sang, thạc sỹ Hiển phải nhờ đến sinh viên tình nguyện là người Ai Cập, thậm chí nhờ đến những anh chị làm ở Đại sứ quán đi mua thuốc cho đoàn.

Ngày thi, 22/9, ở khu tập trung thử máy móc dành cho đoàn Việt Nam, các thành viên đội tuyển nằm la liệt. Có em nằm gục trên máy móc, dậy không nổi, mặt đỏ bừng vì sốt. Trước tình hình này, đoàn Việt Nam họp khẩn. Lúc đầu tính báo cáo BTC đề nghị cử bác sỹ thăm khám cho tất cả thành viên của đoàn, nhưng sau đó, có người nêu ý kiến: Nếu ta báo BTC, họ có thể cách ly đoàn ta vì dấu hiệu sốt tập thể rất đáng nghi ngại. Và như vậy, ta sẽ bị loại từ đầu, công cốc bay hơn 10 tiếng qua tận châu Phi. Trước khi sang Việt Nam, lãnh đạo ĐH Lạc Hồng cũng như những người yêu robot Việt Nam rất hy vọng, đặt mục tiêu có giải. Giờ, với tình hình này, niềm hy vọng coi như tắt. Nghe đến việc bị loại, nhiều thành viên đội tuyển bật khóc. Lãnh đạo nhà trường phải hỏi ý kiến từng sinh viên trực tiếp thi đấu. Lạ thay, em nào cũng quyết tâm thi đấu.

Bừng bừng

Thật xúc động khi mỗi lần vào sân, tuyển thủ Việt Nam không đủ sức để khiêng từng con robot. Thay vào đó, các thầy giáo, chỉ đạo viên phải giúp các em. Và cứ sau mỗi trận đấu, các em nằm la liệt ở hậu trường. Cứ thế, từng trận đấu trôi qua, chúng ta thắng trực tiếp các đội tuyển mạnh, thắng cả đội chủ nhà Ai Cập đang khí thế bừng bừng, vượt qua Nhật Bản, Thái Lan, Hong Kong để gặp kỳ phùng địch thủ Trung Quốc ở trận cuối cùng. Trung Quốc vô địch liên tiếp ba lần: 2007, 2008, 2009. Xác định ngay từ đầu là khó vượt qua đội Trung Quốc về công nghệ, đội tuyển Việt Nam thi đấu thoải mái và chúng ta dừng lại với giải Nhì. Ngoài ra, đội Việt Nam giành giải thưởng Công nghệ.

Có một điều thật lạ kỳ. Sau khi kết thúc trận chung kết, tất cả thành viên đoàn Việt Nam đều mạnh khỏe. Đêm ấy, trên du thuyền trên sông Nile, cả đoàn có trận giao lưu tưng bừng với 16 đội tuyển thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương và chúng tôi còn được mời ca cải lương. Những người bạn Ai Cập cùng các bạn trẻ đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ khác đã biết vỗ tay mỗi khi tôi xuống xề bài cải lương “Tình anh bán chiếu”.

Theo Báo giấy