Quy tụ sức dân
Tôi giác ngộ cách mạng từ khi 12 tuổi. Năm 1936, Mặt trận bình dân ở Pháp lên cầm quyền, anh ruột tôi Vũ Duy Hiệu là chiến sĩ Cộng sản bị đày ra Côn Đảo được thả về.
Những buổi chiều thứ bảy anh về nhà dắt tay đứa em 12 tuổi đi quanh sân, giảng giải về lòng yêu nước. Tôi tiếp nhận những bài học đầu tiên về cách mạng như vậy. Năm 15 tuổi, tôi từ Hải Dương lên Hà Nội thi vào trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An).
Năm 1941 Bác Hồ về nước chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Đảng ta đã nhận định rất sáng suốt là phe đồng minh nhất định sẽ thắng phe phát xít.
Đây là thời cơ nghìn năm có một để nhân dân Việt Nam đứng dậy khởi nghĩa vũ trang giành độc lập tự do. Phải gấp rút phát động phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Bác Hồ đặt vấn đề đổi mới chiến lược, xác định dân tộc là trên hết. Khẩu hiệu cứu quốc được Bác Hồ đưa ra đã huy động được các tầng lớp nhân dân theo Đảng. Hai chữ “cứu quốc” rất thiêng liêng và hợp với lòng dân.
Cách mạng Hà Nội đứng trước tình huống đặc biệt, lực lượng của địch rất mạnh, hoạt động đàn áp rất ác liệt, lực lượng cách mạng có tổ chức thì lại rất mỏng. Bài toán lớn của cách mạng Hà Nội những năm đó là làm thế nào xây dựng lại, phát triển và bảo vệ được lực lượng.
Tôi đã đứng ra tập hợp những bạn học thân thiết và cùng chí hướng trong trường Bưởi thành lập Đội Ngô Quyền để noi gương các bậc danh nhân tiền bối, noi gương Ngô Quyền.
Dưới danh nghĩa là Đội Ngô Quyền, sau này là thanh niên cứu quốc chúng tôi đã giác ngộ quần chúng, quy tụ thanh niên. Mỗi một thanh niên cứu quốc là một cán bộ “ăn cơm nhà, làm việc nước”.
Đi theo cách mạng lúc đó là chấp nhận gian khổ, hy sinh. Nhân dân rất mến phục, tin tưởng vào những cán bộ cách mạng. Tại Hà Nội, tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệnh vô cùng.
Vậy mà chúng tôi đã phát triển được phong trào để thắng được địch. Đó là nhờ quy tụ được sức dân. Làm sao để nhân dân Hà Nội không ở trong tổ chức Việt Minh mà theo Việt Minh.
Tôi đã tổ chức Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu đầu tiên là 6 người sau đó tăng dần lên.
Từ đó, nâng cao được khí thế thanh niên. Được chọn vào đội này, anh em thanh niên rất vinh dự, hoạt động rất sôi nổi từ ngoại thành vào nội thành.
Khi địch tăng cường khủng bố, tôi lại lập Đội danh dự Việt Minh để trừ diệt bọn mật thám đầu sỏ, bảo vệ được phong trào.
Tôi hoạt động được là nhờ có dân đùm bọc, che chở, có cơ sở ẩn náu. Sau này thoát ly hoạt động cách mạng, phải đi qua nhiều huyện, tỉnh. Đi được như vậy cũng nhờ có tình đồng bào, đồng chí đùm bọc, giúp đỡ.
Đất nước giành được độc lập, niềm tin của nhân dân đối với cách mạng và Bác Hồ mãnh liệt lắm. Bác Hồ đã nắm bắt tinh thần yêu nước, quy tụ được lực lượng, không chỉ nông dân, công nhân, thanh niên… mà cả những trí thức, quan lại dưới chế độ cũ.
Bác luôn có niềm tin vào những người yêu nước chân chính. Chính sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã giúp chúng ta chiến thắng trong những thời khắc khó khăn.
“Cuộc chiến đấu khổng lồ”
Phải xóa bỏ những cái cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, động viên, giáo dục toàn dân, dựa vào trí tuệ toàn dân để giành thắng lợi. Nếu chúng ta chủ quan, nghĩ xây dựng đất nước là dễ dàng thì có thể dẫn đến những hiện tượng tiêu cực, đặc quyền đặc lợi, mua quan bán chức. Đây là những vết thương trong thời bình. Bác luôn quan niệm xây dựng đất nước là khó khăn vô cùng. Cán bộ là công bộc của dân, lo cho dân là chính
Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề của Đảng ta là lãnh đạo nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Bác Hồ đã để lại bản di chúc rất quý giá. Bác đã nói xây dựng đất nước là “cuộc chiến đấu khổng lồ”.
Phải xóa bỏ những cái cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, động viên, giáo dục toàn dân, dựa vào trí tuệ toàn dân để giành thắng lợi.
Nếu chúng ta chủ quan, nghĩ xây dựng đất nước là dễ dàng thì có thể dẫn đến những hiện tượng tiêu cực, đặc quyền đặc lợi, mua quan bán chức. Đây là những vết thương trong thời bình. Bác luôn quan niệm xây dựng đất nước là khó khăn vô cùng.
Cán bộ là công bộc của dân, lo cho dân là chính. Người dân chưa phải đã thoát khổ, thoát nghèo.
Càng sống tôi càng trải nghiệm và thấy thấm thía những lời của Bác: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.”
Bởi giành được độc lập là thắng lợi nhưng mới chỉ là bước đầu. Quá trình xây dựng đất nước còn lâu dài, gian khổ hơn. Chúng ta phải tiếp tục lo cho dân, phát huy sức dân. Cán bộ phải hy sinh lợi ích cá nhân của mình.
Trong Di chúc để lại, Bác viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 đã nói: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất phức tạp, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Tôi cho rằng, phải xác định rõ nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới. Ví như, khi Bác Hồ về nước đã xác định phải đoàn kết toàn dân để nổi dậy tổng khởi nghĩa bởi đây là cơ hội ngàn năm có một.
Bác đã xác định như vậy nên chúng tôi là những thanh niên trẻ đã nắm tư tưởng của Bác, với tư duy đây là cơ hội ngàn năm có một, bỏ qua thời cơ này thì không bao giờ giành được độc lập.
Sự nghiệp xây dựng đất nước với trăm công ngàn việc hằng ngày. Chúng ta càng phải thấm nhuần và quán triệt chân lý mà Bác đã để lại.
Tôi tin rằng chúng ta sẽ dần dần khắc phục những thiếu sót để đưa đất nước đi lên. Hiện nay có rất nhiều bài toán lớn đang đặt ra cần phải giải quyết từng bước chứ không thể làm một lúc được.
Những vấp váp muốn sửa chữa và những việc mới cần làm cũng phải có thời gian. Đối với tôi, làm được việc gì ích nước lợi dân thì tôi cố đóng góp với niềm tin công sức của mình là một hạt cát trong biển cả.
P.Sưởng - H.Nhân ghi