Cuối năm 2023, sau nhiều trận mưa lớn, núi Mang Kà Muồng (thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) xuất hiện nhiều vết nứt đến tháng 8,9/2024 ngày càng mở rộng, khiến người dân sống dưới chân núi lo lắng...
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Sơn Hà, điểm sạt lở nói trên có diện tích ảnh hưởng khoảng 1.500m2. Hàng loạt vết nứt dài khoảng 30cm, có nơi dài đến 60cm, nhiều đoạn sụt lún và trượt, đặc biệt là ở thân sườn đồi, đe dọa trực tiếp đến 4 hộ dân với 20 nhân khẩu sống ngay dưới chân núi, tuyến đường ĐH77 đi hồ Nước Trong; điểm Trường mầm non Hướng Dương (có một giáo viên và 27 học sinh), nhà văn hóa thôn Nước Tang và hơn 1.500m2 đất nông nghiệp cũng đang nằm dưới “họng” sạt lở. Cuộc sống của 80 hộ dân xóm Mang Kà Muồng, nhà máy thủy điện Nước Trong, nhà điều hành Trạm quản lý thủy nông số 7 và điểm Trường Tiểu học Sơn Bao cũng bị ảnh hưởng.
“Sắp đến mùa mưa bão rồi nên gia đình tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”. Lo lắng hàng trăm, nghìn khối đất đá ở ngọn núi này sẽ đổ xuống vùi lấp nhà cửa của người dân trong mưa lớn, đến đêm bà con không dám ngủ để lỡ có chuyện còn chạy kịp. Hy vọng, trong thời gian tới chính quyền sẽ lên phương án di dời, để người dân sớm có nơi an cư, không còn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu nữa”, ông Đinh Văn Ôn (trú ở thôn Nước Tang) nói.
Ngoài vết sạt lở núi Mang Kà Muồng, UBND huyện Sơn Hà cũng đang theo dõi điểm sạt lở tại thôn Làng Bồ (thị trấn Di Lăng). Đây là điểm sạt cũ, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao, đe dọa an toàn của 30 hộ dân sống dưới chân núi.
Lên phương án di dời người dân, học sinh
Mới đây, trong chuyến kiểm tra thực tế cùng lãnh đạo huyện Sơn Hà tại núi Mang Kà Muồng vào đầu tháng 10/2024, ông Đinh Văn Sen - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bao, xác nhận tình trạng các vết nứt đe dọa đến sự an toàn của khu vực.
“Chúng tôi đã di dời lớp học tại Trường Mầm non Hướng Dương đến điểm Trường Tiểu học Sơn Bao. Đối với các hộ dân, chính quyền sẽ cắt cử lực lượng theo dõi tình trạng núi nứt, khi mưa lớn kéo dài sẽ đưa dân đến nơi an toàn. Để hạn chế rủi ro, chúng tôi đã cắm các biển cảnh báo, lưới B40 cũng được rào, hạn chế đá lớn lăn từ trên núi ra đường”, ông Sen chia sẻ.
Ông Võ Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi nhận định, cần có phương án ứng phó ngay.
Trước mắt cắm biển cảnh báo tại hai đầu vị trí có nguy cơ sạt lở để người dân chú ý, cắt cử người giám sát, theo dõi hiện trạng núi, kịp thời thông tin đến người dân nếu có diễn biến bất thường. Chủ động thông báo tình hình mưa từ trạm đo ở xã để nắm rõ, sẵn sàng di dời dân.
“Về lâu dài, sẽ đề xuất cho UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư khu tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, đây là giải pháp tối ưu đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Hùng thông tin.