Sống 'run rẩy' dưới chân núi tử thần

TP - Hàng trăm hộ dân sống dưới chân núi Ba Hòn ở thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương, Kiên Giang) đang sống “run rẩy” đầy lo lắng vì đá từ trên núi thường xuyên rơi xuống nhà.
Tảng đá rơi xuống cạnh nhà dân cách nay gần tháng Ảnh: Hoà Hội

“Bom nổ chậm”

“Chưa đầy tháng nay, tảng đá nặng hơn 1 tấn rơi từ trên núi xuống nằm chình ình ở cạnh nhà. Cũng may rơi vào buổi chiều mọi người còn thức. Hôm đó, cả xóm lo lắng không ngủ được”, ông Huỳnh Thanh Sang nói với phóng viên rồi ông dẫn đi một dãy nhà dưới chân núi xem đá rơi lên mái nhà thủng lỗ chỗ.

“Đá rơi nguy hiểm như thế nên bây giờ nhiều người đã bỏ nhà đi tìm chỗ khác ở”, ông Sang bộc bạch. Ông kể, một loạt nhà bị đá rơi xuống làm thủng mái tôn nên người dân phải đóng cửa bỏ đi chỗ khác ở, điển hình như nhà của bà Trần Thanh Nguyệt, Võ Thị Hồng Loan, Lâm Thị Diệu Thúy, Trần Thanh Hạnh…

Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Dương bàng hoàng nhớ lại hôm cả gia đình đang ngồi ăn cơm thì bỗng trên núi tảng đá gần 4 tấn lăn ầm ầm xuống làm sập mái nhà và bể tủ chén. Ông kể: “Nghe đá lăn rầm rầm bên nhà hàng xóm, tôi và vợ liền ôm các cháu chạy ra ngoài. Ngay lúc đó, một tảng đá nặng gần 4 tấn lăn xuyên qua gian bếp rồi xộc vào sát chỗ cả nhà ngồi”.

Sau vụ lở đá đến nay, cả nhà ông Dương không dám ở ngay chỗ đó mà ở nhờ nhà người quen, cũng gần đó. Hiện tại, tảng đá nặng gần 4 tấn vẫn còn nằm ngay nhà ông. “Cũng may là đá lăn không trúng chứ không chạy đâu khỏi”, ông Dương nói. Ông cho biết, người thân trong gia đình ông có gần chục người, trong đó có 7 đứa trẻ đang trong độ tuổi đi học. “Bản thân mình thì không sao, tội cho tụi nhỏ nếu không may đá đè trúng”, ông Dương bộc bạch.

Các cháu của ông Nguyễn Văn Dương ngồi trên tảng đá rơi xuống nhà.

Cháu Huỳnh Hồng Thắng, học lớp 4 Trường tiểu học Kiên Lương 3 chứng kiến cảnh đá rơi xuống nhà mình. “Cháu rất sợ đá đè trúng nên muốn rời khỏi khu vực nguy hiểm này càng sớm càng tốt”, Thắng bộc bạch. Còn cháu Huỳnh Thanh Nhã, đang học lớp 3, cùng trường với Thắng nói: “Mong dời nhà đến nơi an toàn để yên tâm học chứ như thế này luôn trong cảnh nơm nớp lo sợ”.

Ông Tô Văn Thành, Tổ trưởng tổ 8B, thị trấn Kiên Lương nói rằng, ở đây như là quả bom nguyên tử không biết nổ bất cứ lúc nào. Người dân mong muốn di dời khỏi chân núi từ lâu nhưng chính quyền cứ “hẹn lần hẹn lữa” đến giờ. “Hễ một tảng đá rơi xuống nhà dân thì cả xóm lo âu, không dám ở. Bà con chúng tôi ở đây nguy hiểm quá, chưa kể còn có trên 100 trẻ em trong xóm, nên mong sớm di dời đến nơi khác an toàn hơn”, ông Thành lo lắng.

Chính quyền nói gì?

Ông Nguyễn Tấn Tài, Chủ tịch UBND thị trấn Kiên Lương cho biết, người dân ở đây chủ yếu làm nghề biển, làm thuê và hậu cần nghề biển. Địa phương cũng mong sớm di dời dân ra khỏi khu vực lở núi càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn nhưng còn vướng thủ tục.

Theo ông Tài, tỉnh đã có chủ trương xây dựng khu tái định cư để đưa dân vùng sạt lở vào ở. Hiện đã bố trí khu tái định cư 112 nền cho người dân, trước mắt sẽ bố trí 54 hộ trong vùng nguy hiểm vào ở trước.

Ông Ngô Văn Trường, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết, khu vực núi Ba Hòn có 202 hộ bị ảnh hưởng sạt lở. Qua khảo sát có 112 hộ cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, trong quá trình vận động có 54 hộ tự nguyện nên sẽ ưu tiên di dời trước.

Ông Trường cho biết thêm, trong cuộc họp UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương đưa dân vào khu tái định cư nhưng còn đang chờ văn bản chính thức của tỉnh. Song song đó, huyện cũng đang thẩm định hồ sơ.

“Tuần sau sẽ có báo cáo trình UBND huyện xem xét. Sau khi có quyết định sẽ tiến hành cho dân bốc thăm 54 hộ trong 112 nền đã chuẩn bị sẵn trong khu tái định cư, cách chỗ dân đang sống vài trăm mét”, ông Trường nói. The ông Trường, phương án sắp tới là sẽ di dời hết dân khu khu vực chân núi nguy hiểm, hộ nào không chấp hành sẽ cưỡng chế để đảm bảo an toàn.

Ông Ngô Văn Trường, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết, khu vực núi Ba Hòn có 202 hộ bị ảnh hưởng sạt lở. Qua khảo sát có 112 hộ cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, trong quá trình vận động có 54 hộ tự nguyện nên sẽ ưu tiên di dời trước.