> Kẻ bỏ thuốc sâu vào bánh đối mặt 10 năm tù
> Tràn lan dược liệu Trung Quốc trộn thuốc sâu
Một cán bộ xã Tân Long, huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) cho biết, kho thuốc sâu này là của Nông trường Sông Con (sau này tách ra thành Nông trường Vực Rồng).
Mặc dù kho chứa rất nhiều loại thuốc độc hại nhưng lại đặt nằm trong khuôn viên Nông trường Vực Rồng, sát khu dân cư xóm Tân Lập. Hơn 45 năm chịu sống chung với thuốc độc hại, không ít người dân xóm Tân Lập mắc phải nhiều chứng bệnh nan y.
Ông Nguyễn Văn Hồng (xóm Tân Lập) nói: “Gần đây xóm này phát hiện 20 người ung thư, trong đó 15 người đã chết. Một hoàn cảnh rất đáng thương đó là gia đình chị Trần Thị Huyền. Gia đình ở gần kho thuốc sâu nên chồng và hai đứa con đầu lòng của chị đã chết vì căn bệnh quái ác này.
Ông Hồng còn cho biết thêm, trước đây gia đình ông làm nhà sát vách với kho thuốc độc nên cả nhà sinh ra chứng bệnh đau đầu, sức khỏe yếu. Gia đình ông Cẩm, ông Hùng, ông Tiến… phải đi nơi khác thồ nước về để sinh hoạt, vì quanh năm nước giếng bị ô nhiễm thuốc trừ sâu.
Trước thực trạng ô nhiễm kéo dài, tháng 4/2013 nhà nước đã đầu tư 11 tỷ đồng giao cho Sở Tài nguyên& Môi trường Nghệ An làm chủ dự án, Trung tâm công nghệ xử lý môi trường (một đơn vị tư nhân có địa chỉ ở Hà Nội) thi công. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, đơn vị này lại gây ô nhiễm hơn.
Một số người dân cho biết, lẽ ra trước khi cất bốc kho bãi chứa thuốc độc hại lâu nay, đơn vị thi công phải xây tường rào để ngăn ô nhiễm nhưng họ chỉ dùng tôn che chắn rất sơ sài.
Trong khi đó, hệ thống hầm, nhà chứa thuốc trừ sâu được đào bới lên rồi để đó mà không kịp bốc đi xử lý. Do vậy, trời nắng thì mùi thuốc sâu (loại thuốc có tên gọi 666) nồng nặc bốc lên, trời mưa nước chảy tràn ra ngoài khu dân cư gây ô nhiễm nặng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh.