Ảnh: Nguyễn Huy.
Sóng ngầm
Oanh (20 tuổi, trú đường Nguyễn Hữu Thọ, TP Đà Nẵng) dáng người dong dỏng cao, da trắng và khuôn mặt bắt mắt. Lần đầu gặp Oanh tại một quán nhậu ven đường, mới té ngửa sau vẻ đẹp nữ sinh đó là sự nổi loạn, lao vào những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng để giải sầu.
Chưa đầy nửa tiếng, bằng vài lần nhấc máy điện thoại di động, Oanh gọi thêm nhiều chiến hữu là nữ sinh tuổi mười tám, đôi mươi đồng cảnh. “Về còn ngán hơn địa ngục. Lúc nào cũng vắng như chùa bà đanh. Bố mẹ em làm sếp lớn Cty xây dựng, mải lo làm ăn nên chẳng quan tâm, mặc kệ chúng em làm gì chơi gì”, Oanh kể.
Gần 1 năm nay, Oanh và các bạn thường la cà, nhậu nhẹt. Sau mỗi cuộc nhậu, Oanh lại có thêm bạn mới, lịch chơi kín dần. Không những thế, cô còn lang thang trên mạng làm quen với các bạn đồng cảnh. “Bọn nó giống em, chán ngắt về nhà nên tìm mối để nhậu. Uống xong thì hát, có lúc về nhà 1 – 2 giờ sáng, nhưng không ai nói gì”, Oanh tâm sự. Phần lớn bạn bè trong nhóm của Oanh là những nữ sinh xinh đẹp, chịu chơi. Theo Oanh, như thế mới được nhiều người mời đi nhậu và vui chơi miễn phí.
“Cả tuần bố mẹ không về nhà. Có về thì ai cũng tất bật lo công việc. Ngay như cái bếp nhà em, cả tháng trời không đỏ lửa vì ăn gì đã có nhà hàng. Em muốn đi bụi đâu cần phải đi xa làm gì, do ở nhà có ai quản lý đâu”, Oanh tâm sự.
Theo Văn phòng Công an TP Đà Nẵng, lực lượng công an gần đây phối hợp với xe khách chạy tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhóm 3 nữ sinh từ TPHCM dự định ra Quảng Ngãi và Đà Nẵng đi bụi. Qua lời khai, các em bị một số đối tượng rủ rê, bỏ nhà đi chơi, nhưng nguyên nhân sâu xa lại từ chính bất cập trong gia đình, bố mẹ thiếu sự quan tâm.
Phạm Thị P., một trong ba thành viên đi bụi, cho biết: “Gia đình biết em hay chơi bời, tụ tập ở khách sạn nhưng thay vì quan tâm, răn dạy, lại thuê vệ sĩ để giám sát, ngăn cấm. Nhân lúc thoát khỏi vòng kiểm soát, em theo bạn ra Đà Nẵng để sống bụi”.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng tình trạng trên không đơn thuần là bỏ đi, sống tách lập môi trường hiện có mà đang có xu hướng bụi đời ngay tại gia đình mình với các hành vi: sống tách biệt, không chịu theo sự quản lý của gia đình. Những bạn trẻ này sống theo ý thích riêng, lao vào ăn chơi dễ dẫn đến hành vi nghiện ngập, phạm pháp.
Năm lần vào trại
Phan V.K. (27 tuổi, phường Thạch Thang, Hải Châu, TP Đà Nẵng), hiện là học viên Trung tâm Giáo dục- Dạy nghề 05 - 06 (gọi tắt Trung tâm 05-06, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị bỏ rơi ngay trong chính gia đình giàu có của mình. K. bỏ học khi mới tốt nghiệp cấp 2 và bắt đầu theo chúng bạn lao vào ăn chơi, nghiện hút.
Lý do không chỉ bởi bản tính đua đòi, a dua kiểu con nhà giàu, mà còn bởi K. sớm sống trong môi trường thiếu sự quan tâm của gia đình. Ông Kh., bố K. là thương nhân, mải lo làm ăn, hầu như không có thời gian chăm lo, quản lý con. Khi phát hiện K. nghiện hút, cách duy nhất mà ông làm được là nhờ sự quản lý, giáo dục của ngành chức năng.
Năm 2002, K. được chuyển lên giáo dưỡng tại Trung tâm 05-06. Tuy nhiên sau 5 lần ra vào trại đến nay, K. không thể trở về hòa nhập cộng đồng do tái nghiện. Ông Phạm Tạo, Phó giám đốc Trung tâm 05 - 06, cho hay: “Trong 5 lần ra vào trại của K. có 3 lần do gia đình bảo lãnh. Bố mẹ K. muốn đưa cậu về để quản lý, cho đi học nước ngoài. Tuy nhiên, sau những lần tiếp xúc, lắng nghe tâm sự của K. chúng tôi mới vỡ lẽ K. chưa có sự quan tâm đúng mức của gia đình nên dễ ngựa quen đường cũ”.
Học viên Nguyễn Văn H. (Hải Châu, TP Đà Nẵng) ít nhất 2 lần phải vào trung tâm sau thời gian sống bụi từ năm 2006 đến nay. Các cán bộ quản lý tại Trung tâm cho hay: Bố mẹ H. đều là sếp lớn có Cty riêng, nhưng họ lại không cho H. điều cần thiết là sự quan tâm, giáo dục. Sau lần đầu được về “tái hòa nhập cộng đồng”, H. xin gia đình vốn, tự lập mở cơ sở riêng làm ăn. Tuy nhiên, bố H. không tin tưởng, đánh giá đúng dự định của con khiến H. chán nản và tiếp tục sa vào con đường tiêm chích, rồi trở lại trung tâm”.
Theo ông Tạo, hiện Trung tâm có gần 160 học viên, từng vi phạm: nghiện, tiêm chích ma túy, mại dâm. Việc hiểu hoàn cảnh, tâm lý của các học viên là rất quan trọng trong việc giáo dưỡng, dạy nghề giúp các em trở lại cộng đồng. Những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân do thiếu sự quan tâm của gia đình khiến các bạn trẻ đơn độc, bụi đời lao vào con đường tiêm chích, sa ngã đang có dấu hiệu gia tăng…
Ông Nguyễn Công Thành, Phó phòng giáo dục, Trung tâm 05 - 06, đã trực tiếp tư vấn tâm lý cho các học viên, cho biết: “Qua điều tra xã hội học, chúng tôi thấy bên cạnh nguyên nhân lối sống a dua, đua đòi của các bạn trẻ, sự lôi cuốn của các tệ nạn xã hội, có đến 1/3 trong tổng số học viên trung tâm phải vào trại giáo dưỡng do nguyên nhân phức tạp trong gia đình, như bố mẹ ly hôn, thiếu quan tâm chăm sóc...”, ông Thành nói.
Thiếu quan tâm, trẻ dễ lầm lạc
Theo Khoa Tâm lý - Giáo dục (ĐH Sư phạm Đà Nẵng), cùng sự phát triển tâm sinh lý của thanh thiếu niên, sự quan tâm, chăm sóc và định hướng giáo dục của các bậc phụ huynh là rất quan trọng. Đặc biệt ở lứa tuổi bắt đầu dậy thì, các em sẽ gặp nhiều vấn đề mới phát sinh nên rất cần cha mẹ, thầy cô hay những nhà tâm lý chia sẻ, hướng dẫn.
Nếu bị bỏ rơi, đơn độc, các em dễ lầm lạc, thiếu phương hướng, tính cách tò mò sẽ tạo nhu cầu tự khám phá, dễ bị các tệ nạn xã hội lôi kéo và sa ngã. Thống kê tại Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP Đà Nẵng cho biết tình trạng thanh thiếu niên lầm lỡ do thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình đang có dấu hiệu gia tăng.