Đề thi gồm 3 câu, học sinh phải thực hiện các yêu cầu: Phân tích giá trị biện pháp tu từ, Phân tích bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Câu thứ 2 là câu chuyện về giới trẻ mê Facebook, sa vào đời sống ảo mà quên đi cảm xúc cũng như đời sống thực.
Đề bài như sau: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ quá ham mê Facebook, sa vào đời sống ảo mà quên mất cuộc đời thực. Em hãy viết đoạn văn diễn dịch khoảng 10 câu trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau đây: Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí là người lạ, trong khi vô tình với người thân thuộc đang ở ngay cạnh mình” (Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân).
Nhiều học sinh tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) nhận xét, đề thi môn Ngữ văn năm nay cơ bản, hay hơn đề thi năm ngoái. Câu số 2 gợi mở nhiều vấn đề hay, thời sự nhưng không lạ lẫm, rất quen thuộc với học trò.
Đề thi môn Văn vào ĐH Sư phạm Hà Nội được nhiều học sinh thích thú
Em Hoàng Anh, dự thi vào Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng đề thi khá dễ, hay hơn năm trước. Ở caai nghị luận, em nêu tác hại của lối sống ảo: “Giờ các bạn trẻ ai chả sống ở thế giới ảo, thậm chí nhiều bạn còn không có cuộc sống thực. Bài này em làm khá tốt, viết gần một trang giấy thi”.
Một giáo viên Ngữ văn nhận định, đề thi khá cơ bản ở cả 3 câu. Các câu hỏi vừa có tính thời sự, vừa có yếu tố văn chương. Học sinh dễ dàng đạt điểm 7 trở lên nhưng để đạt điểm giỏi thì phải biết phân tích văn học cũng như cảm thu văn học và biết trình bày cảm nhận của mình.
Với câu nghị luận xã hội, theo giáo viên này đề cập đến vấn đề quen thuộc, gần gũi vì hiện nay có nhiều bạn trẻ yêu thích việc chia sẻ lên mạng xã hội Facebook.
"Đây là câu hỏi không mới, nhiều trường đã có đưa ra cho học sinh ôn tập nhưng học sinh nào biết vận dụng, đưa ra chính kiến của bản thân về vấn đề sẽ đạt điểm cao"- giáo viên này nhận định.