Ồ ạt công bố lãi
Đến thời điểm này, 3 ngân hàng thương mại nhà nước là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (Vietinbank) và Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV) vẫn dẫn đầu về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, tại Ngân hàng Vietcombank, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 6.326 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Còn Vietinbank ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 6.484 tỷ đồng, tăng 13,2%. Riêng BIDV, sau 9 tháng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.757 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Phân tích kết quả kinh doanh của 3 “ông lớn”, thấy nổi lên các điểm như: So về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, Vietcombank vượt trội so với Vietinbank và BIDV. Về nợ xấu, tính đến 30/9, Vietinbank lại giữ vị trí quán quân “thấp nhất toàn ngành” khi chỉ còn ở mức 0,86%. Còn tại BIDV, năm nay, ông lớn này đang có dấu hiệu tụt hạng khi chi phí dự phòng đang “bào mòn” lợi nhuận. Tính chung 9 tháng đầu năm, BIDV phải trích lập dự phòng rủi ro lên tới gần 7 nghìn tỷ, tăng 80% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chia sẻ mới đây của ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho thấy, Vietcombank có khả năng sẽ trở thành ngân hàng đầu tiên lập kỳ tích xử xong nợ xấu. Theo đó, năm 2016, Vietcombank sẽ đảm bảo trích lập xong 100% dự phòng rủi ro kể cả nợ xấu đã bán cho VAMC. “Dự kiến sang năm 2017, chúng tôi sẽ lấy lại (có thể coi như mua lại) nợ xấu từ VAMC mang về tự xử”, ông Thành nói.
Từ năm 2011 trở về trước, khối ngân hàng thương mại cổ phần thường “cố định” vị thế lợi nhuận lớn ở top 5, gồm ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Quân đội (MB), Á Châu (ACB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Tuy nhiên, vị trí Top 5 cổ phần đang dần có sự thay đổi ngôi vị đáng kể. Giữ ngôi đầu bảng năm nay vẫn là MB với quý 3/2016, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 2.070 tỷ đồng còn 9 tháng luỹ kế đạt 5.696 tỷ đồng; Tiếp tục phải kể tới có Techcombank với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt vọt lên mức 2.864 tỷ đồng, tăng 84,6% so với cùng kỳ. Còn ACB, quý 3 ghi nhận tới 415 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đưa tổng lợi nhuận 9 tháng của ngân hàng lên 1.244 tỷ đồng, tăng 14%.
Trong nhóm dưới, một số nhà băng gây bất ngờ nữa còn có: LienVietPostBank khi sau 9 tháng, ngân hàng đột ngột tăng tốc đạt lợi nhuận trước thuế 865 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, TPBank cũng đang trở thành hiện tượng của năm với thành tích tự tái cơ cấu đồng thời các chỉ số kinh doanh đều tịnh tiến.
Tụt hạng vì nợ xấu
Trước đây, ACB từng nắm vị trí số 1 của khối về lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Cạnh tranh vị trí này từng nổi bật ở Techcombank, rồi cả Sacombank và Eximbank. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, một số nhà băng tên tuổi như Sacombank, Eximbank, Đông Á Bank đều có dấu hiệu “sa lầy” trong nợ xấu.
Hiện DongA bank với “án phạt” rơi vào kiểm soát đặc biệt (từ tháng 8/ 2015) và ngập lút trong xử lý các giải pháp cơ cấu lại toàn diện hoạt động về tài chính, quản trị và khắc phục các sai phạm nên chưa thể nói gì tới kết quả kinh doanh.
Còn Sacombank, sau khi nhận sáp nhập với SouthernBank một ngân hàng yếu nhiều nợ xấu thì dù không muốn, các chỉ số kinh doanh buộc phải “tụt” dần. Báo cáo tài chính quý 3 vừa công bố, lãi quý 3 của Sacombank chỉ đạt 150 tỷ đồng, giảm 69,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng Sacombank lãi trước thuế 550 tỷ và sau thuế 459 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động tăng lên tới 1.515 tỷ đồng là một trong những lý do góp phần kéo lợi nhuận Sacombank sụt giảm. Nhưng đáng kể đến hơn là sự gia tăng của nợ nhóm 3 và 4, khiến nợ xấu của Sacombank tăng 1.172 tỷ đồng, tương đương tăng 34%. Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) nhích lên 3.095 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ xấu Sacombank. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý 3 này đã tăng lên 2,37% so với đầu năm chỉ 1,85%.
Tại Eximbank tính chung 9 tháng, tổng lợi nhuận trước thuế ghi nhận 202 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ. Điều an ủi đó là tỷ lệ nợ xấu của Eximbank đã giảm từ 5,3% xuống còn 3,35% so với thời điểm 6 tháng đầu năm. Chia sẻ về nỗ lực này, một thành viên Hội đồng quản trị Eximbank thừa nhận từ đầu năm tới nay, ngân hàng đã tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu. “Rất nhiều khoản nợ lớn của các doanh nghiệp đã được chúng tôi xử lý mạnh. Chủ yếu nhất qua hình thức thương lượng đi tìm đối tác và bán với giá hợp lý thu tiền thực về cho ngân hàng. Cũng nhờ đó, mà nợ xấu của Eximbank mới giảm mạnh”, vị này bật mí.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, có nhiều yếu tố cấu thành lợi nhuận nhưng hiện đang có xu hướng dịch chuyển từ lãi tín dụng sang thu dịch vụ. Hiện các ngân hàng đều đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, xử lý mạnh nợ xấu và tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ thay vì chỉ chăm chắm trông vào tín dụng. “Nhiều khi làm cả năm mà chỉ cần một khoản vay gặp rủi ro biến thành nợ xấu, là công sức của cả một tập thể đã đi tiêu rồi”, Phó tổng phụ trách nguồn vốn một ngân hàng cổ phần chia sẻ.