>> Người ba lần viết 'nhật ký giam cầm' lại bị bắt
>> Chín ngư dân mất tích đã liên lạc với gia đình
Phóng viên Tiền Phong là một trong số ít nhà báo có được những tấm ảnh, những lần gặp gỡ với thuyền trưởng Mai Phụng Lưu sau khi anh bị bắt trở về từ 3 lần trước. Mỗi lần trở về với anh là một lần khốn khổ. Lần này, có vẻ mọi sự còn gian nan hơn, nhưng anh lại đang trên đường trở về.
Anh Mai Phụng Lưu là một trong những ngư dân dày dạn biển cả hiện nay ở Lý Sơn, nếu không muốn nói rằng, hiếm có thuyền trưởng nào đủ can đảm đi xa đánh bắt và cũng mạo hiểm như anh. Mặc dù vậy, trong những lần trò chuyện với PV Tiền Phong, anh đều khẳng định: “Tôi mạo hiểm, tôi luôn muốn đi xa hơn mọi người, nhưng tất cả đều nằm trong vùng biển Việt Nam. Tôi không xâm phạm những vùng biển cấm”. Để rồi từ năm 2004 đến nay, đây đã là lần thứ 4 anh cùng tàu bị phía Trung Quốc bắt giữ. Cả ba lần trước, anh trở về an toàn dù chỉ đưa được xác con tàu cập cảng Lý Sơn.
Tôi còn nhớ lần gần đây nhất anh trở về đúng ngày 30-4, ngày mà trên đảo Lý Sơn gọi là ngày đại kỵ, bởi các tộc họ đang làm lễ cúng vong hồn những người lính hy sinh vì Hoàng Sa. Tháng tư năm nay, Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đứng ra tổ chức hoành tráng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, người khắp nước đổ ra Lý Sơn.
Ít ai để ý tới gia đình của chị Phạm Thị Lan (vợ anh Lưu) đang từng ngày ngóng chồng trở về. Phải mất gần 3 tiếng đồng hồ thuyết phục, anh Lưu mới chịu ra gặp. Vóc dáng đồ sộ, nhưng anh lại rất khó khăn khi ngồi nói chuyện. Anh Lưu tâm sự: “Đời tui đi biển đã gần 20 năm, dám vỗ ngực nói rằng chưa có mét nước nào trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là chưa có dấu thuyền của tui. Về độ xui xẻo, tui cũng cam đoan, đến hiện giờ, có thể nói một trong những người nộp tiền phạt cho Trung Quốc nhiều nhất trong số ngư dân Việt Nam cũng là tui, tiền nộp cũng hơn 1 tỷ rồi đó”.
Anh Lưu kể rằng, lần thứ 3 bị bắt giữ, vừa nhìn thấy anh, lập tức các sĩ quan bên phía Trung Quốc đã nhận ra. Bị giam hơn 2 tuần, anh Lưu chỉ bị gọi lên hỏi 3 lần, nhưng cả ba lần đều khiến anh tối tăm mặt mũi. “Lần thứ nhất họ gọi lên, hỏi gia cảnh rồi bắt lăn tay ký nhận giấy phạt.
Tui năn nỉ mãi mà ông thông dịch viên chỉ lạnh lùng nói mấy ông lo nộp phạt để đưa tàu về, đừng năn nỉ ỉ ôi vô ích, rồi đến lần thứ 2, họ lại gọi tôi lên và hỏi chuyện vợ con ở nhà thế nào, có ruộng đồng sao không làm mà đi biển.
Khi dẫn ra cầu cảng Lý Sơn tiễn tôi về, anh Lưu còn với theo ấm ức: “Hai lần trước bị bắt trong năm 2005, họ tịch thu luôn tàu, đến lần thứ 3, dù được thả người và tàu cho về thì ngư lưới cụ cũng mất sạch luôn. Lần nào trở về vợ cũng bàn lui thôi ở nhà gắng trồng tỏi trồng hành, làm lụng mà trả nợ. Nhưng trồng tỏi thì biết bao giờ mới trả hết số nợ cứ ngày càng chồng chất. Vậy là tui phải đi, mà đi là đi xa vì đã trúng là phải trúng lớn”.
Ở Lý Sơn không ai không biết anh Lưu từng giàu có tiếng với nghề lặn tìm hải sâm ở Trường Sa những năm đầu thế kỷ. Sau này, khi có vốn, anh đóng tàu, chọn ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt. Và tàu anh cũng luôn là con tàu đi xa nhất trong số các ngư dân Lý Sơn.
Bây giờ, sau lần bắt thứ 4, tất nhiên là gia đình anh sẽ đối mặt với khánh kiệt, nghèo nàn. Nhưng, trên hết, ai nấy đều mong anh cùng các bạn thuyền lành lặn mau chóng trở về, chuyện đói khổ nợ nần tính sau…