UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT đã triển khai thực hiện dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”.
Đề án nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc ở ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ và hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu cụm công nghiệp trong vùng.
Đến nay, dự án đã có kết quả bước đầu, đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khoảng 680 triệu m3. Trong đó, có khoảng 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các cao tốc ở ĐBSCL, trong đó có tỉnh Sóc Trăng.
Bộ TN&MT đã bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 cho tỉnh Sóc Trăng quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định.
Nhằm tổng hợp nhu cầu sử dụng cát biển tỉnh Sóc Trăng phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được Quốc hội cho phép, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị 28 địa phương, đăng ký cụ thể về nhu cầu, địa điểm sử dụng cát biển (nếu có) đối với 21 dự án.
Các địa phương gồm: TP.HCM, TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tiền Giang, Thái Bình, Trà Vinh, Tuyên Quang.
UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố gửi đề nghị trước ngày 27/5/2024, để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến các bộ, ngành. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị nhà thầu thi công các dự án liên hệ tỉnh Sóc Trăng thông qua Sở TN&MT tỉnh để được hướng dẫn về thủ tục đăng ký khai thác theo quy định.