Sóc Trăng: Khát vọng từ hải cảng Trần Đề

TP - Không chỉ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, mà lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), lãnh đạo Bộ GTVT và nhân dân toàn vùng đang khát khao làm sao có được cảng nước sâu Trần Đề. Nếu hải cảng này mở ra thì đây là cơ hội vàng cho đất Chín Rồng cất cánh.
Nếu được chấp thuận đầu tư, cảng biển Trần Đề sẽ đón được tàu tải trọng hàng trăm tấn. Ảnh minh họa

 Ðất “Chín Rồng” cần lắm cảng nước sâu

Tại Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề tổ chức tại Sóc Trăng vào trung tuần tháng 12/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT ông Nguyễn Văn Thể phát biểu: Cảng Trần Đề sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng vì hiện nay hạ tầng giao thông đã quá tải, xuống cấp. Đồng thời, gần 80% hàng hóa của vùng xuất khẩu phải chở lên TP HCM làm tăng thêm chi phí.

Người đứng đầu Bộ GTVT cho rằng, trong vùng có 5 địa điểm nước sâu có thể xây dựng cảng là Phú Quốc (Kiên Giang) Hòn Khoai (Cà Mau), Gành Hào (Bạc Liêu), Trần Đề và Duyên Hải (Trà Vinh). Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, chuyên gia thì Trần Đề có vị trí thuận lợi nhất vì gần trung tâm vùng, có nhiều tuyến đường kết nối. Sắp tới, Bộ sẽ triển khai tuyến đường cao tốc Châu Đốc, Cần Thơ, Sóc Trăng và Trần Đề. Đồng thời kết nối với Campuchia để hàng hóa có thể đến cảng xuất đi nước ngoài dễ dàng.

Bộ trưởng Thể cũng chỉ ra rằng, ĐBSCL có điều kiện thuận lợi về thời tiết, địa hình nhưng phát triển kinh tế - xã hội không xứng với tiềm năng; thu ngân sách, bình quân đầu người, điều kiện sống của người dân còn thấp so với nhiều vùng trong cả nước… một phần nguyên nhân là do kết nối hạ tầng giao thông của ĐBSCL còn quá yếu. 

ĐBSCL có tổng chiều dài đường thủy hơn 14.826km, có tới 57 cảng thủy nội địa và 3.988 bến thủy nội địa. Tuy nhiên, trên 85% các cảng phân tán, manh mún, phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn/năm, chưa có bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn trong vùng. Do không có cảng lớn, tất cả hàng hóa về ĐBSCL đều phải chuyển từ TP.HCM  hoặc  ở Đông Nam Bộ. Đây là một bất cập lớn. Nếu sớm hình thành được một cảng nước sâu, kinh tế của vùng ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng.

Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ông Trần Văn Chuyện cho biết: Tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng vào tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc bổ sung Cảng biển nước sâu Trần Đề vào Quy hoạch hệ thống cảng biển Quốc gia là Cảng biển đặc biệt (ký hiệu IA); đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lập, thẩm định điều chỉnh Quy hoạch phát triển Cảng biển Sóc Trăng và Bến cảng Trần Đề, trình Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đã thuê tư vấn lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ, nội dung, bao gồm việc đánh giá tác động môi trường chiến lược. Đây là dự án quan trọng, có tác động rất lớn đến sự phát triển của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan khẩn trương phối hợp, hoàn thiện, trình phê duyệt hồ sơ bổ sung quy hoạch. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung cảng biển nước sâu Trần Đề vào quy hoạch cảng biển đặc biệt, tỉnh sẽ phối hợp các Bộ ngành Trung ương kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án.

Không sử dụng ngân sách Nhà nước

Đại diện Bộ GTVT cho biết, qua khảo sát, hiện 90% hàng hóa xuất nhập khẩu đi đến ĐBSCL được vận chuyển bằng đường biển, nhưng 80% lượng hàng hóa đó đang lưu thông qua cụm cảng ở khu vực Đông Nam Bộ. Do đó, việc đầu tư xây dựng cảng biển để đáp ứng tàu hàng rời đến 200.000 tấn, tàu hàng tổng hợp, container đến 100.000 tấn và trên 100.000 tấn, phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp cho ĐBSCL là vấn đề cần phải tính tới. Tổng mức đầu tư vào cảng khoảng 4,1 tỷ USD.  Đây cũng là vấn đề khiến dư luận quan tâm, bởi nguồn lực cho dự án quá lớn.

Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói: Việc xây dựng cảng biển đầu mối ở Sóc Trăng sẽ không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Bộ GTVT sẽ xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế, công bố quy hoạch cảng nước sâu rõ ràng, sau đó kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân giống như định hướng của cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Cảng biển Sóc Trăng sẽ đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế với bến cảng chính được đề xuất hình thành tại một trong 2 vị trí: tại cửa Trần Đề hoặc tại cửa Mỹ Thanh.

Khu vực nghiên cứu bến cảng Trần Đề có diện tích dự kiến rộng khoảng 30.000ha từ cửa Trần Đề đến cửa Mỹ Thanh. Trong đó, đường bờ dài 20km, bến cảng Trần Đề được xây dựng nằm ngoài khơi cách bờ khoảng 15-20km tùy vị trí. Độ sâu khoảng từ -10m đến -12m.

Đơn vị tư vấn đề xuất 2 phương án quy hoạch cảng Trần Đề. Phương án 1, bao gồm: xây dựng đê chắn sóng dài 11,6km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 9km. Phương án 2, các hạng mục xây dựng bao gồm: đê chắn sóng, cát dài 13,7km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 10,6km. Tổng vốn đầu tư sơ bộ cho tất cả các hạng mục khoảng hơn 4,1 tỉ USD được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn. Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Cty CP Tư vấn xây dựng công trình Hàng Hải (đơn vị tư vấn) cho biết, Cảng Trần Đề nằm ở cửa sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mekong sẽ thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia (tuyến đường thủy sông Mekong). Đồng thời, còn trung chuyển than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực trong vùng, đặc biệt là nhà máy nhiệt điện Long Phú và Sông Hậu.

Theo quy hoạch cảng biển Trần Đề giai đoạn đến năm 2030 có nhiều phương án, trong đó có phương án xây cầu vượt biển dài 10 km, khu cảng 1.750 ha, khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics 4.000 ha và nhiều hạng mục khác đáp ứng tàu tải trọng trên 100.000 tấn cập bến, với tổng vốn đầu tư trên 40.000 tỷ đồng, từ xã hội hóa.

Ông Trần Quốc Thống  - Giám đốc Sở GTVT Sóc Trăng nói: Việc xây dựng cảng biển Trần Đề là mong mỏi bấy lâu nay của địa phương. Theo ông Thống, cửa sông Trần Đề nằm trên sông Hậu, có độ sâu lớn, diện tích mặt nước rộng, cách biển khoảng 10km, rất thuận lợi để phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng và của khu vực. do địa thế rất thuận lợi cho xây dựng cảng nước sâu nên nhiều doanh nghiệp trên thế giới như Hà Lan, Pháp... đã độc lập đến đây nghiên cứu và sẵn sàng đầu tư.

Người dân Sóc Trăng nói riêng và cả khu vực ĐBSCL đang khát khao có được hải cảng Trần Đề.  Ảnh: Hồng Lĩnh 
Photo: ..