"Quan trọng nhất là phía công an có đồng ý cho tại ngoại hay không. Khi công an đồng ý cho tại ngoại, ai là người sẽ đứng ra bảo lãnh. Quy định của pháp luật thì gia đình đứng ra bảo lãnh, đứng về góc độ cơ quan quản lý nhà nước thì có thể bệnh viện hoặc Sở y tế sẽ đứng ra làm việc này" - ông Khánh nói.
Theo kết luận ban đầu của cơ quan điều tra, bác sĩ Hoàng Công Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO. Tuy nhiên, khi chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không, bác sĩ này vẫn chạy thận cho các bệnh nhân.
Bác sĩ Lương đã vi phạm điều 242 Bộ luật Hình sự: “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế”.
Trước đó, ngày 29/6, Tổng hội Y học Việt Nam cũng đã gửi văn bản kiến nghị Công an tỉnh Hòa Bình và Viện KSND cùng cấp cho phép bác sĩ Hoàng Công Lương được tại ngoại.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo và GS, TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai cho rằng, chất fluoride (chất cực độc) tồn dư trong nước chạy thận nhân tạo chỉ dùng trong công nghiệp, không được phép dùng trong y tế.
Theo GS, TS Nguyễn Gia Bình, hàm lượng fluoride cho phép trong nước chạy thận phải dưới 0,2 mlg/lít. Tuy nhiên xét nghiệm cho thấy nước chạy thận trong vụ tai biến khiến 8 người tử vong ở Hòa Bình có hàm lượng fluoride cao gấp 263 lần. Thậm chí, sau 2 tuần xét nghiệm lại nguồn nước còn tồn dư trong máy cũng cho thấy hàm lượng chất độc này có thể gây chết người ngay lập tức.