> Ông Đoàn Văn Vươn chỉ là “khổ chủ” đầu tiên?
Anh Tân kể, năm 1989, ông Thảo bố anh được xã giao 70 ha đất sình lầy tại bãi Gảnh Chè ven sông Văn Úc để nuôi trồng thuỷ sản kết hợp cấy lúa một vụ.
Gia đình anh vay tiền, mướn người quai bờ, đắp đê, xây cống, dựng nhà. Bao nhiêu công sức tiền của đổ ra, chỉ tính riêng đắp 2,7km đê bao xung quanh đầm đã lên đến khoảng 40 tỷ đồng thời giá hiện nay…
Hội nghị nông dân làm ăn giỏi tại Thái Bình năm 1992, ông Thảo được mời tham dự. Sau đấy, nhiều báo, đài viết bài về ông, coi ông là người dám nghĩ, dám làm, phong cho ông "cánh chim đầu đàn làm kinh tế giỏi".
Cũng năm 1992, UBND huyện có quyết định giao 70 ha đất đầm cho ông Thảo, thời hạn 12 năm. Gia đình ông nuôi tôm rảo, tôm sú, cá vược, vịt. Bờ đầm nuôi lợn, dê, trồng chuối, cây cảnh, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động.
Bà Vũ Thị Tuy (50 tuổi, vợ ông Thảo) cho biết: "Chồng tôi nguyên là đội trưởng thuỷ lợi, nhiều lần được huyện và TP khen thưởng". Bà Tuy chỉ tay lên tường, ở đấy treo hàng loạt bằng khen, giấy khen đã ố vàng vì thời gian.
"Năm 2004, huyện thu hồi đầm, chồng tôi làm đơn khiếu nại. Huyện bác đơn. Năm 2008, huyện tổ chức cưỡng chế. Một số người mang danh bảo vệ nhảy xuống đầm vơ vét thuỷ sản. Năm 2011 vừa rồi, xã cho đấu thầu. Người trúng thầu không đền bù cho chúng tôi chút gì".
Anh Tân tiếp: "Suốt mấy năm trời đi khiếu nại, kêu cứu, bố tôi đêm không ngủ, ngày không ăn, lúc nào cũng buồn bực, uất ức. Bị cưỡng chế hơn một năm thì bố tôi mất".
Anh Tân cung cấp tài liệu vụ việc cho các PV. Giai đoạn khiếu nại hành chính, đáng chú ý là một văn bản của Sở TN&MT TP Hải Phòng đề ngày 25-5-2006. Sau khi xem xét việc thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Lê Đình Thảo, Sở nhận định: UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất giao hết thời hạn, nhưng không xác định phương án bồi thường (hoặc lý do không bồi thường thiệt hại) là chưa đúng với khoản 2 Điều 39 Luật Đất đai 2003”;
“Theo khoản 1 Điều 39 Luật Đất đai 2003, khi công bố quyết định thu hồi đất, UBND huyện chưa công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết vùng đầm Gảnh Chè. Sở đề nghị phải đền bù tài sản trên đất cho ông Thảo, và nên ưu tiên giao đất, thuê đất cho ông Lê Đình Thảo nếu có nhu cầu sử dụng.
Sau khi khởi kiện và bị cả hai cấp toà (Tiên Lãng và TP Hải Phòng) bác đơn, ông Thảo khiếu nại giám đốc thẩm.
Viện KSND Tối cao hai lần ra kháng nghị, đề nghị TAND Tối cao huỷ cả hai bản án để xử lại, theo hướng kéo dài thời gian giao đất cho ông Thảo, và phải bồi thường khi thu hồi. Câu chuyện pháp đình lý thú này sẽ được Tiền Phong tiếp tục thông tin đến bạn đọc.