Tại hội thảo “Pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều vấn đề pháp lý quan trọng liên quan tới bất động sản, trong đó đáng chú ý là việc cấp sổ đỏ cho condotel (căn hộ khách sạn).
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Doãn Hồng Nhung (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng quy định để cấp sổ đỏ cho condotel còn là câu chuyện dài bởi nếu thực hiện việc này thì các quy định cấp tỉnh phải có từ 5 năm trước. Nói cách khác, condotel muốn được cấp giấy chứng nhận ở thời điểm hiện tại thì 5 năm trước trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, đất cho phát triển condotel đã phải được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
"Một nút thắt rất lớn của condotel chính là quy hoạch sử dụng đất của UBND cấp tỉnh không hề có, để cấp giấy chứng nhận là condotel phù hợp với quy hoạch. Mà đây lại là một điều kiện cơ bản của việc cấp giấy. Do vậy, tính pháp lý của condotel vẫn treo ở đó", PGS.TS Doãn Hồng Nhung phân tích.
Cũng theo bà Nhung loại hình condotel vẫn được giao dịch trên thị trường trong khi mô hình này lại đang vi phạm điều cấm trong giao dịch bất động sản là Điều 8 của Luật Kinh doanh bất động sản. Sự vi phạm nằm ở các khía cạnh như kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của luật; đầu tư các dự án bất động sản không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
"Chính vì thế, việc vi phạm những điều cấm dẫn đến hậu quả là những hợp đồng giao dịch condotel đến thời điểm này, trong một số giao dịch sẽ là vô hiệu theo quy định của Bộ Luật dân sự", bà Nhung nhấn mạnh.
Trước đó, trả lời trên báo chí về giả định đất thương mại, du lịch, dịch vụ được sử dụng lâu dài như đất ở, tức được cấp sổ đỏ, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng nếu như thế, quy hoạch khu dân cư hiện hữu chắc chắn vỡ trận.
"Khi phát triển đô thị, vấn đề dân số, không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật phải được quản lý chặt chẽ. Về dân số phải tính toán dân số tạm trú, dân số ổn định và khách vãng lai. Sức chịu tối đa của hạ tầng kỹ thuật sẽ được tính toán dựa theo dân số được quy đổi từ khách vãng lai, tạm trú. Nhưng nếu đất du lịch được sử dụng như đất ở, có quyền chuyển nhượng thừa kế, hạ tầng sẽ không thể kham nổi khi dân lưu trú biến thành dân số ổn định. Thậm chí, điều này còn tác động đến nhiều luật khác", TS Đào Ngọc Nghiêm nói.