“Số cháu nó khổ”

TP - Trong căn nhà tuyềnh toàng, người mẹ liệt sỹ 95 tuổi Tạ Thị Huê nhắc đi nhắc lại câu trên, khi cụ kể về người con gái 59 tuổi Phạm Thị Phương, nạn nhân trong vụ bạo hành ôsin như thời trung cổ vừa xảy ra ở Hà Nội.

> Vụ bạo hành Ôsin: 'Không thể tưởng tượng nổi'

Cụ Huê (bên trái): “Tôi đã can ngăn, nhưng nó vẫn quyết đi làm giúp việc”.
 

“Tôi ngăn, nhưng nó quyết đi”

Mắt đã mờ, chân đã không vững, nhưng cụ Huê vẫn còn khá minh mẫn ở cái tuổi xưa nay hiếm, khi cụ nhớ vanh vách ngày sinh tháng đẻ của cô con gái Phạm Thị Phương, cũng như nhớ cả năm sinh của những người con khác.

Tiếp PV Tiền Phong trong gian nhà cũ kỹ, tuyềnh toàng tại thôn Kim Giang (xã Đại Cường, Ứng Hoà, Hà Nội) trưa 8-1, cụ Huê nói, cả mấy hôm nay cụ không ngủ được. “Cứ đặt lưng xuống giường là lại nhớ con, thương lắm. Số cháu khổ từ bé”- bà cụ nói.

Theo lời cụ Huê, cụ sinh được 6 người con thì 3 người mất từ nhỏ, trong đó 2 người chết do ngạt hầm vì bom đánh. Anh con trai lớn còn lại tên Bảo đi B, hy sinh năm 1971 tại chiến trường miền Nam. Ngày đó, đơn vị gửi giấy báo tử cùng chiếc ba lô quân trang của anh về nhà cho mẹ. Cụ lại nuốt nước mắt vào trong, nuôi dạy 2 con còn lại là Phạm Thị Phương và Phạm Quốc Kỳ.

“Cháu nó đi dân công, rồi quá lứa không lấy được chồng. Sau đó cũng có một vài đám hỏi, nhưng cháu thương tôi, cứ quấn quýt ở nhà” – cụ Huê nói. Cũng theo cụ Huê, năm ngoái bà Phương có xin phép cụ cho xuống Hà Nội làm giúp việc. Biết con gái không được lanh lợi như người thường, cụ Huê ngăn. “Nhưng nó bảo, mẹ già rồi, sau này mẹ mất đi con còn có một mình, không có đồng ra đồng vào thì biết làm sao, tôi đành phải cho nó đi” – cụ Huê kể tiếp.

Cũng theo cụ Huê, cụ và bà Phương sống với nhau trong gian nhà cũ. Cùng một khuôn viên là nhà ông con trai Phạm Quốc Kỳ, khang trang rộng rãi hơn. Hỏi sao cụ không lên nhà trên ở cho đàng hoàng, cụ Huê bảo già rồi, ăn uống sinh hoạt với con trẻ bất tiện, vả cũng thương người con gái Phương ở một mình, nên mẹ con đùm bọc lẫn nhau. Hằng ngày, ông Kỳ cùng các con vẫn 3 bữa cơm bưng nước rót đem xuống nhà dưới mời cụ, không dám thất thố điều gì.

Hỏi ông Kỳ, ông cũng phân trần mẹ ông sống quen nếp cũ, khi ông làm nhà cụ bắt phải giữ lại gian nhà ngang các cụ để lại, để cụ và bà Phương ở. “Hằng tháng tôi vẫn nhận được tiền tuất đều đặn, nhưng già rồi cũng không ăn uống được gì nhiều. Vả lại, cũng phải tiết kiệm, còn đồng quà tấm bánh cho cháu nữa chứ” – bà cụ quệt miếng bã trầu, nói.

Bà Chi hội trưởng phụ nữ xóm Phạm Thị Hằng và ông
Phạm Quốc Kỳ trao đổi với PV Tiền Phong.
 

Tình người trên chuyến xe

Nói chuyện với PV, Ông Phạm Quốc Kỳ cũng thừa nhận chị mình là bà Phương khá yếu ớt, chậm chạp cả về nhận thức từ nhỏ. “Nhưng chị tôi hiền lành lắm. Tôi ở mấy chục năm với chị, tôi biết, không bao giờ chị tôi có cái tính trộm cắp vặt như bà Minh nói. Trước chị ấy làm ruộng, sau có người giới thiệu đi làm ôsin chị ấy mới ra phố. Tôi nhiều lần khuyên bảo chị ấy ở nhà nhưng không nghe. Thú thật, chị ý đi ngày nào, tôi lo ngày đó”- ông Kỳ nói.

Theo bà Phương kể lại, trưa 4-1, khi bị bà chủ Trần Thị Tuyết Minh tống lên xe ôm đưa ra bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) để về quê, bà Phương đi còn không vững. Ra đến bến xe, thấy bà Phương mặt mũi thâm tím, hình dung thảm hại, một chị điều hành vé ở bến xe Yên Nghĩa cùng nhiều hành khách đã hỏi han, giúp đỡ đưa bà Phương lên xe khách. “Trước đó, một bác tốt bụng còn đưa tôi vào quán ăn, gọi cho tô mỳ nóng, nhưng tôi không nuốt được” – bà Phương kể.

Trong suốt hành trình gần 60km về quê, do bị bỏng sâu ở mông, đùi, bà Phương không thể ngồi, chỉ đứng suốt. Nhiều hành khách tốt bụng đã dìu đỡ bà Phương về đến nhà. Xuống xe khách đầu đường về thôn Kim Giang, một số người làng trên xóm dưới nhận ra bà Phương, cùng xúm vào vừa dìu vừa bế bà lết gần 500 mét đường làng về nhà.

“Nghe tin người ta đang dìu chị tôi về đầu ngõ, tôi chạy ra đón mà không còn nhận ra chị mình” – ông Kỳ kể tiếp - “Chị tôi lúc đó như người mất hồn, người gầy đét, tóc tai rối bù. Sợ bà biết chuyện và không chịu đựng nổi, vợ chồng tôi đã dìu chị ngay về phòng nhà chúng tôi để giấu bà. Tại đây, khi cởi quần áo chị ra để thay, chúng tôi bàng hoàng khi chứng kiến trên khắp cơ thể chị có nhiều vết bỏng và những vết thương bầm tím. Lúc đó chị yếu lắm. Hỏi chị, chị cũng chỉ nói bị người ta đánh đập, đuổi về. Vợ chồng tôi lập tức đi mời bác sĩ về sơ cứu cho chị rồi chuyển BV Vân Đình”.

Ông Kỳ: “Tôi chạy ra đón mà không còn nhận ra được chị mình”.
 

Mong muốn xử lý nghiêm

Cũng trong hôm qua, nhiều người dân thôn Kim Giang khi gặp PV Tiền Phong cũng đều bày tỏ sự bức xúc trước vụ việc. Bà Lương Thị Hòa (58 tuổi, cùng xóm với chị Phương) cho biết, bà Phương là người hiền lành, thật thà, chịu khó, ở xóm ai cũng yêu quý, dù bà không được lanh lợi như người khác.

“Tôi chơi với chị ấy từ bé nên tôi biết, chị Phương không có tính trộm cắp vặt. Người ta đổ cho chị ấy trộm tiền, trộm đồ thờ cúng trong nhà bà Minh, tôi không tin”- bà Hoà nói. Cô Phùng Thị Năm (ở cùng xóm) góp chuyện: “Tôi chỉ thấy chị ấy ăn ở gọn gàng, sạch sẽ lắm. Nhà nghèo, không có đồ đạc gì nhiều nhưng lúc nào cũng thấy chị ấy lau dọn. Ngay cả cái sân gạch phía trước nhà, cứ có bùn bẩn là chị ấy dội nước, lấy chổi tre quét sạch”.

Bà Chi hội trưởng phụ nữ xóm Phạm Thị Hằng cũng đánh giá bà Phương là người hiền lành, tốt bụng. “Chị ấy sinh hoạt trong hội chưa bao giờ có điều tiếng này nọ hay gây hiềm khích gì với ai bao giờ, nhà ai có việc đều có mặt chị ấy”- bà Hằng nói. Cũng theo bà Hằng, tối hôm trước Hội Phụ nữ xã và thôn đã đến động viên, thăm hỏi sức khoẻ bà Phương, đồng thời mong muốn cơ quan pháp luật sớm xử lý nghiêm bà chủ Trần Thị Tuyết Minh.

Báo Tiền Phong tặng bà Phương 5 triệu đồng

 

Sáng qua, tại BV Đa khoa Vân Đình, đại diện báo Tiền Phong đã trao tặng bà Phạm Thị Phương 5 triệu đồng, hỗ trợ bà tiếp tục điều trị. Được sự đồng ý của bà Phương, bà Nguyễn Thị Vĩnh (em dâu bà Phương), thay mặt bà Phương nhận số tiền trên và gửi lời cảm ơn báo Tiền Phong (ảnh).

Theo các bác sỹ Vân Đình, hiện sức khỏe bà Phương đã có tiến triển tốt hơn, và nếu không có gì thay đổi có thể bà Phương sẽ được xuất viện trước Tết. Mọi sự giúp đỡ với gia đình bà Phương xin gửi về địa chỉ gia đình hoặc Ban Bạn đọc, Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Theo Báo giấy