Sinh viên phòng chống tệ nạn

TP - Thành lập từ năm 1999,  CLB tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) ghi dấu ấn trong cộng đồng suốt 12 năm qua.
Thành viên CLB SV phòng chống tệ nạn xếp hình ruy băng đỏ, biểu tượng chống HIV/AIDS

CLB là tập hợp những sinh viên thực hiện công tác phổ biến kiến thức về sức khoẻ sinh sản (SKSS) tới sinh viên (SV), sống cùng người có H.

Thành viên CLB SV phòng chống tệ nạn xếp hình ruy băng đỏ, biểu tượng chống HIV/AIDS.

Chuyện khó nói

Thành lập từ năm 1999, CLB thường xuyên có hơn 200 thành viên tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS, tư vấn cho bạn trẻ về SKSS, giúp họ tránh xa ma tuý và các chất gây nghiện.

Trần Thị Nhung (K52, khoa Marketing), trưởng ban chuyên môn CLB cho biết dù đã được truyền đạt nhiều kinh nghiệm, nhưng nhiều lần các bạn phải lúng túng vì những câu hỏi khó, thậm chí ngô nghê của bạn trẻ. Nhung kể có nhiều câu hỏi kiểu như: Có phải dùng hai bao cao su trong lúc quan hệ sẽ an toàn hơn? Con trai dùng nhiều mỹ phẩm của nữ có nguy cơ bị chuyển đổi giới tính?...

Trong lần gần đây đến với bà con dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái để phổ biến kiến thức SKSS, nhiều câu hỏi của người dân khiến thành viên CLB nhớ mãi.

Nhật Minh kể: CLB hướng dẫn người dân dùng bao cao su, trong đó lấy quả dưa chuột làm ví dụ. Hướng dẫn xong có người chạy lại hỏi, cứ để bao cao su vào quả dưa chuột thì làm gì cũng được à?; Hay có một anh hỏi tại sao vợ anh đã dùng thuốc tránh thai mà bụng vẫn to ra. Khi anh đưa vỉ thuốc anh cho vợ uống để CLB xem, hoá ra đó là vitamin B1.

Ngoài những buổi tư vấn trực tiếp, CLB nhận được nhiều điện thoại nhờ trợ giúp của nữ sinh trước vấn đề tế nhị. Đường dây nóng của CLB thường để số điện thoại của thành viên hay chủ nhiệm CLB. Các câu hỏi thường được đề cập tới như: Lo lắng khi quan hệ tình dục không an toàn, hỏi địa chỉ khám thai, cách mua và sử dụng bao cao su, muỗi đốt có lây nhiễm HIV hay không, có nên lập gia đình khi còn là SV, sống thử phải thế nào cho tốt...

Sử dụng kịch để tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn xã hội là một trong những dấu ấn riêng của CLB.

Để duy trì hoạt động với nhiều buổi tư vấn, phổ biến kiến thức miễn phí, đào tạo kỹ năng mềm, tình nguyện tại các địa phương, CLB phải tự tìm nguồn kinh phí thông qua tài trợ, đi diễn kịch...

Ba cùng với người có H

Đã 4 mùa hè liên tiếp thành viên CLB ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt) với người mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Bỏ qua những định kiến, khoác trên mình áo tình nguyện, các bạn chia sẻ với người có H từng công việc, câu chuyện và mang đến niềm vui.

Nguyễn Nhật Minh (K50, khoa Kinh tế quốc tế) nhớ mùa hè năm 2009 khi cùng 30 bạn SV có mặt ở Trung tâm bảo trợ xã hội 4 (Hà Nội) để hòa nhập cuộc sống của bệnh nhân H. “Họ hồ hởi đón chào SV đến trung tâm như mong chờ những người thân đến thăm vậy, bởi lâu lâu mới được giao lưu, chia sẻ”, Minh kể.

Buổi tối đầu tiên ba cùng, Minh và các bạn trong CLB tổ chức chương trình văn nghệ với vở kịch Hai đứa bé khiến nhiều học viên bật khóc. Câu chuyện và lối diễn xuất của những diễn viên nghiệp dư chạm đến nỗi đau của nhiều người tại trung tâm có hoàn cảnh tương tự, từng bị bỏ rơi. Những ngày ở trung tâm, SV theo các học viên đi học may, làm vườn. Giữa họ không có khoảng cách, chỉ có tình thân và sự sẻ chia.

Ba cùng với người có H giúp SV hiểu ra được nhiều điều. “Trở về sau chuyến đi, mỗi bạn đều có thêm kinh nghiệm, kiến thức phục vụ công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội”, Nguyễn Chí Kiên, Chủ nhiệm CLB nói.

CLB đã nhiều lần tổ chức xét nghiệm HIV/AIDS miễn phí cho SV và cộng đồng. Mỗi đợt, CLB tiếp nhận hơn 100 trường hợp đến xét nghiệm.

Bí thư Đoàn trường ĐH Kinh tế quốc dân Nguyễn Hoàng Hà cho biết: Hoạt động của CLB luôn được đánh giá cao, hàng năm có nhiều chương trình tuyên truyền hiệu quả đối với SV trong trường và khu dân cư. Ngày 1-11 vừa qua, ĐH Kinh tế quốc dân đã thành lập đội Nữ sinh tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS gồm những thành viên chủ chốt đến từ CLB.

 
Theo Báo giấy