Siêu lừa 4.000 tỷ đồng chuẩn bị hầu tòa

TP - Ngày 18/10, Viện KSND Tối cao ra cáo trạng truy tố Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM) cùng 22 bị can khác về 7 tội danh.

> Lừa đảo để trả tiền vay nặng lãi
> Đề nghị truy tố bầu Kiên và 7 đồng phạm

Ngoài Huỳnh Thị Huyền Như, còn có 12 bị can khác nguyên là trưởng, phó, cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng thuộc Vietinbank cùng Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, TPHCM.

Cáo trạng của Viện KSNDTC cáo buộc 23 bị can có các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; cho vay lãi nặng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại TPHCM và Hà Nội.

Theo đó, từ tháng 3/2010 – 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM tự thỏa thuận lãi suất vay tiền với các tổ chức, cá nhân; làm giả 8 con dấu của Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè và 7 Cty; 110 hợp đồng tiền gửi, cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản… để lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của 9 Cty, 4 ngân hàng, 3 cá nhân.

Cơ quan điều tra (CQĐT) đã kê biên, thu giữ tài sản, tiền mặt, sổ tiết kiệm của các bị can với tổng trị giá hơn 800 tỷ đồng; gần 157.000 EUR, 4.600 USD và 4 xe ô tô trị giá 5 tỷ; kê biên 20 bất động sản trị giá 361 tỷ đồng…

Điều tra mở rộng vụ án, CQĐT đã khởi tố ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập cùng 4 cựu lãnh đạo khác của Ngân hàng ACB về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó, CQĐT đã bóc tách hành vi của 6 bị can này để xử lý trong một vụ án độc lập khác.

Theo Báo giấy