Bẫy lãi suất
Ông Nguyễn Minh (Hà Nội) cho biết, cách đây 3 tháng ông ký hợp đồng vay 50 triệu đồng của một công ty tài chính để mua nội thất cho căn chung cư vừa nhận. Thời hạn vay là 1 năm, thủ tục vay chỉ cần chứng minh nhân dân, hộ khẩu và bản chứng minh thu nhập, không thế chấp. Tiền vay nhận được ngay sau 1 ngày kể từ khi ký hợp đồng... Thủ tục nhanh hơn thủ tục vay ngân hàng nhưng tháng nào trả chậm, ông Minh sẽ bị phạt 400.000 đồng. Theo tính toán, ông Minh phải vay khoản này tương đương mức lãi suất 33%/năm.
Tuy nhiên, khách hàng như ông Minh vẫn còn là may mắn. Thời gian qua, người tiêu dùng liên tục lên tiếng phàn nàn về lãi suất cũng như hình thức hồ sơ cho vay có vấn đề của các công ty tài chính. Trong một kiến nghị gửi về Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Văn Huy (TPHCM) cho biết, đang vay tín chấp của 1 tổ chức vay tiêu dùng 30 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng với lãi suất cho vay là 3,75%/tháng (45%/năm). “Vấn đề tôi thấy là hồ sơ hợp đồng không rõ ràng, chỉ có một bản bên cho vay giữ, bên vay chỉ giữ bản photo và không có bất kỳ chữ ký hay con dấu nào; tư vấn lãi suất thấp nhưng khi làm hợp đồng thì lãi suất cao. Đề nghị cơ quan chức năng có hướng quản lý nhằm tạo ra sự công bằng và rõ ràng cho loại hình vay tín chấp ở công ty này”, ông Huy kiến nghị.
Mới đây, bà B. T (tại Tây Ninh) phải lên tiếng kêu oan vì bị nhân viên của một công ty tài chính P. tư vấn và “bẫy” cho vay 70 triệu đồng không cần tài sản thế chấp (tín chấp), với lãi suất 2,1%/tháng (25,2%/năm). “Tôi đồng ý vay với lãi suất 2,1%/tháng thế nhưng, sau đó nhân viên công ty này đã giả chữ ký tôi để làm hồ sơ cho vay với lãi suất lên tới 3,92%/tháng (47,65%/năm)”, bà B.T cho hay và kể: Sau đó, mỗi ngày bà nhận 3-6 cuộc điện thoại đòi nợ từ những người tự xưng là nhân viên Công ty Tài chính P. với những lời lẽ thiếu lịch sự và mang tính đe dọa.
Theo thống kê, hiện có khoảng 16 công ty tài chính đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, có 4 công ty lớn nhất đang nắm giữ gần 90% thị phần cho vay tiêu dùng bao gồm: FE Credit (50% thị phần), Home Credit (17%), HD Saison (13%) và Prudential Finance (8%). Tại các nhóm này cũng đang có một cuộc chạy đua ráo riết trong việc xây dựng hệ thống điểm bán hàng và hình thành các liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là với những hệ thống lớn như FPT Shop, Trần Anh hay Thế Giới Di Động.
Chấn chỉnh không dễ
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng đang chỉ tập trung vào 4 công ty lớn trên (chiếm gần 90% thị phần) và điều này có thể dẫn đến rủi ro tập trung, khả năng thao túng cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng…“Kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao. Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt... Điều này làm mất thiện cảm đối với các công ty tài chính, cũng như gây bức xúc dư luận thời gian qua”, TS Lực nhận xét.
Hiện cho vay qua các công ty tài chính, lãi suất quãng từ 40% cho đến 70%/năm. Thủ tục càng dễ dàng thì lãi suất càng cao. Đáng lưu ý, trong hợp đồng không hề có sự thỏa thuận của khách hàng, mà hoàn toàn là sự áp đặt ý chí của bên cho vay. Theo tính toán của Cty Chứng khoán Bản Việt, chỉ với mức lãi suất thấp nhất các công ty tài chính đang công bố, thì tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của phân khúc cho vay tiêu dùng đã lên tới 20% so với trung bình ngành ngân hàng đang là 2,9%. Nói một cách đơn giản: Nếu mỗi 100 đồng tài sản ngân hàng đem cho vay thông thường sẽ tạo ra 2,9 đồng thu nhập lãi thuần thì cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ mang về 20 đồng thu nhập (chẳng thế mà FE Credit được ví là con gà đẻ trứng vàng cho VPbank khi chiếm tới hơn 50% lợi nhuận ngân hàng này có được).
Bình luận về sự chênh lệch lợi nhuận “một trời một vực” này, lãnh đạo một ngân hàng nói: Trong khi quy trình cho vay ngân hàng rất chặt chẽ để đảm bảo không xảy ra rủi ro nợ xấu thì các công ty tài chính lại kiếm lời lớn gấp bội nhờ “đẩy” lãi suất lên cao với thủ tục vay lại dễ dàng. Cũng chính vì dễ dãi cho vay nên mới xảy ra cách hành xử đòi nợ lộn xộn.
NHNN đang quản hoạt động cho vay này ra sao, một đại diện NHNN cho hay: Hiện Thông tư 43 và 19 của NHNN đã quy định rất kỹ việc các công ty tài chính phải công bố biểu lãi suất tính theo năm hoặc đưa về cách thức và thời gian nhắc nợ quy định trong ngày. Dù đã có các văn bản pháp luật và liên tục nhắc nhở nhưng đại diện NHNN cũng thừa nhận: Vẫn còn hiện tượng công ty tài chính chạy theo lợi nhuận, nhân viên chịu áp lực kinh doanh đã có cách hành xử hay đòi nợ gây phản cảm.
“Tới đây, ngoài việc đã ra văn bản chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và công ty tài chính, NHNN sẽ cho thanh tra một số công ty”, đại diện NHNN nói.
Năm 2015 - 2018 được xem là quãng thời gian bùng nổ của thị trường cho vay tài chính tiêu dùng. Bên cạnh mặt tích cực kích cầu tiêu dùng xã hội, mặt trái của tín dụng tiêu dùng đang tiếp tục bộc lộ.