Chị Hoàng Thị Hải Yến (Hà Nội) kể: “Con học lớp 1 đến tuần thứ 4, mẹ cũng học cách không nổi nóng với con như trước. Cô giao bài tập về nhà tập viết vì trên lớp con không chép kịp bài, viết xấu. Về nhà bị mẹ ép viết, con phản ứng rất gay gắt như: đập chân, đập bàn, ném bút, khóc lóc”.
Con chị Yến có học tiền tiểu học 3 tháng, trước khi vào lớp 1, con đã biết hết bảng chữ cái và ghép vần, nhưng vẫn không theo kịp các bạn. Trong lớp, đa số học sinh đi học trước, biết đọc, biết viết nên theo kịp chương trình. Có khoảng 10 học sinh không theo kịp, sau mỗi ngày học, những em này ở lại thêm 30-40 phút để cô kèm thêm. Từ câu chuyện của con mình, chị Yến khuyên phụ huynh có con năm tới vào lớp 1 nên cho con đi học trước để con không bị áp lực, tự ti với bạn cùng lớp.
Một phụ huynh khác nói rằng, Bộ GD&ĐT khuyến cáo không nên cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, nhưng vừa vào lớp 1 khoảng 2-3 tuần, ở lớp có những học sinh còn chưa thuộc hết bảng chữ cái đã phải đọc 1 đoạn văn từ 4-5 câu. Các con không được đánh vần mà phải đọc tiếng rõ ra. “Vì thế, con chị và nhiều em khác không thể đọc được bài. Cô giáo lại nhận xét con đọc chậm quá, lớp đông, cô không thể quan tâm được từng em nên con về nhà khóc lóc, không muốn đi học. Hoá ra, mình không cho con đi học trước mới bị thua bạn”, phụ huynh này nói.
Cô Bùi Thị Hằng, khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học Ban Mai (Hà Nội), cho biết, ngay tuần đầu tiên trong lớp, có bạn nhút nhát, sợ học, về nhà xé vở. Sau khi nghe phụ huynh phản ảnh, cô tìm hiểu mới biết con rất sợ phải viết chữ. “Đối với học sinh này, sau đó, cô không yêu cầu cao như những bạn đã học tốt, con viết được 1-2 dòng, cô đã khen thưởng luôn. Dần dần như thế mỗi ngày, giờ con đã hết tâm lý sợ viết, sợ học”, cô Hằng nói. Cô cho rằng, ở khối trường ngoài công lập, sĩ số học sinh thấp, chỉ khoảng 30 em/lớp, phù hợp để giáo viên quan tâm đến từng học sinh hơn.
Không nên cho con học trước
TPHCM là địa phương đầu tiên có chỉ đạo các nhà trường thực hiện hàng loạt biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho giáo viên và học sinh lớp 1 khi thực hiện chương trình, SKG mới. Theo đó, giáo viên lớp 1 cần tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập, ôn luyện để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, không đặt ra yêu cầu cần đạt chung đối với các em trong lớp ở giai đoạn đầu năm học, tránh gây áp lực với một số em tiếp thu bài chưa tốt, chưa nhớ bài. Đối với kỹ năng viết, những học sinh viết chưa tốt, chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ.
Phó giám đốc một Sở GD&ĐT cho rằng, SGK Tiếng Việt 1 năm nay với mục tiêu giúp học sinh hình thành, phát triển ngôn ngữ ở tất cả các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết là không mới, nhưng tốc độ bài nhanh, giáo viên được quyền chủ động dạy học nhưng họ “chưa dám”. Vì thế, thời gian tới, đơn vị cũng phải tập huấn thêm cho giáo viên, trong đó chỉ yêu cầu cần đạt ở đầu ra, còn quá trình dạy học để giáo viên chủ động.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học- Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài, khẳng định, về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 không tốt cho học sinh. Bộ mong muốn phụ huynh không quá lo lắng, không cho trẻ học chữ trước vào lớp 1 để trẻ phát triển tự nhiên và tạo hứng thú khi vào lớp 1 được học cái mới. Điều này rất quan trọng trong việc hình thành nề nếp, động cơ học tập của trẻ. Giáo viên cần tìm hiểu đặc điểm học sinh của lớp mình phụ trách để thực hiện các hoạt động dạy học, giao nhiệm vụ học tập phù hợp với từng học sinh.
Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định rà soát SGK lớp 1
Tối 11/10, Bộ GD&ĐT cho biết, trước phản ảnh của báo chí về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký công văn gửi Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung sách này. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, SGK mới ở một số địa phương. Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu, gửi báo cáo về Bộ trước ngày 17/10.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài, các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định không dạy chữ trước khi vào lớp 1 cho trẻ theo các văn bản quy định của Bộ GD&ĐT.