SBC là săn bắt chuột: Hài hước để thanh lọc

TP - Một tiểu thuyết bắt người đọc phải nghĩ - từ tên sách 'SBC là săn bắt chuột' khiến người đọc có thể nghĩ ngay đến chuyện bông phèng. Hiếm ai đặt tên sách ỡm ờ như thế, cứ như là đặt bẫy… chuột. Song, viết vậy, lại không phải vậy.

> NXB Trẻ: Ra mắt tiểu thuyết 'SBC là săn bắt chuột'

 

Khi trang cuối khép lại, người đọc mới biết mình được giải cứu, hoặc có thể được… giải ảo! Phải chăng, đấy là kinh nghiệm viết tiểu thuyết mới nhất của Hồ Anh Thái, mà trong đó, nhà tiểu thuyết dụng công kết nối hai cực rất xa nhau của một hiện thực đô thị hiện đại, vốn đang là là sát đất. Và cũng chính cái hiện thực là là đó đầu thế kỷ 21, được Hồ Anh Thái đưa lên bay bổng trên đôi cánh hiện thực huyền ảo, trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột.

Cách kết nối ấy thật cao tay, được tính kỹ về mọi phương diện tiểu thuyết, nên cuốn sách có sức lôi cuốn hiện đại, trẻ trung, nhất là với bạn đọc trẻ đang bận rộn mưu sinh ở đô thị. Không ngẫu nhiên, tiểu thuyết này đặc sệt chất thời sự báo chí- truyền thông.

Câu chuyện tiểu thuyết được tác giả gói ghém vừa vặn vào hai nếp gấp tự nhiên muôn đời của con sông Hồng: Lũ lụt và hạn hán. Tiểu thuyết mở đầu bằng trận lụt kinh hoàng, kết cuộc bằng trận hạn hán trên bãi cát sông Hồng, tự thân đong đầy những “lát cắt” thế sự- xã hội từ vài năm trước- vốn là những sự biến đã hết nóng sốt từ lâu.

Song, tất cả bỗng chốc sống dậy tươi nguyên, roi rói trong cách miêu tả đầy cuốn hút, với giọng tiểu thuyết đan xen nhiều thanh điệu: Vừa giễu cợt hiện đại vừa dân gian tiếu lâm, vừa chao chát đắng cay, vừa lo âu phiền muộn… Ẩn sâu dưới giọng văn đa thanh điệu ấy, dưới cái cười giễu đáo để ấy, đôi khi/ hay nhiều khi, là những trầm tư triết học kín đáo, và có thể cả giọt nước mắt rơi thầm.

Chính việc tạo lập được cái tâm thế tiểu thuyết phức điệu ấy, cùng kỹ nghệ cài đặt khéo léo phảng phất màu trinh thám, sự đẩy đưa câu chuyện vào cách thế “lưỡng lự nhị nguyên này”, mà Hồ Anh Thái thông minh dẫn dắt bạn đọc đi suốt cuốn tiểu thuyết, hồi hộp thú vị trong cảm giác song đôi: hai tiểu thuyết trong một tiểu thuyết.

Người đọc đắm mình trong dòng thời sự từng chảy qua đời sống, nay lại tái sinh với tất cả tươi thắm của cách kể chuyện tiểu thuyết mới mẻ. Nhất quán với cái viết ấy, Hồ Anh Thái đặt tên cho 11 chương rất đong đưa, như muốn trêu ngươi bạn đọc.

Tôi thử xếp 11 tên chương của tiểu thuyết này để thấy rõ sự giễu nhại đậm màu của Hồ Anh Thái trong cấu trúc thứ tự chương hồi: Ai quá lứa lỡ thì đừng đọc chương này-Ai sợ chuột đừng đọc chương này-Ai báo chí văn thơ đừng đọc chương này-Ai giàu xổi đừng đọc chương này-Ai rào giậu đừng đọc chương này-Ai ăn đất đừng đọc chương này-Ai ngại chiến trận đừng đọc chương này-Ai làm luật đừng đọc chương này-Ai quá sốt ruột đừng đọc chương này-Ai giáo sư đừng đọc chương này-Ai sợ bãi tha ma đừng đọc chương này.

Rất có ý thức tiết kiệm thời gian cho bạn đọc, cách chia chương nghịch mắt như thế lại kích hoạt cho người đọc cái cảm tưởng mỗi chương là một câu chuyện độc lập, để nếu phải dừng vì bận, thì cũng mau tìm cách đọc tiếp ngay khi có thể. Nếu chẳng dừng được, thì đúng như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bình luận, đấy là một tiểu thuyết “mang tính ẩn dụ, hấp dẫn khó cưỡng lại”.

Đúng là khó cưỡng được những ẩn dụ xa xôi bóng gió mà Hồ Anh Thái đã cố tình lấy ý tứ từ tranh làng Hồ “Đám cưới chuột”, và không chỉ từ nghịch cảnh những chú chuột cưới vợ ngay trước mũi mèo trong tranh dân gian làng Hồ Việt Nam. Thấp thoáng đâu đó còn là những nhân vật chú chuột nổi tiếng của văn học nghệ thuật phương Tây, cả chú chuột quang máy tính hiện đại cũng đổ bóng vào những nhân vật chuột độc đáo của Hồ Anh Thái.

Nhiều nghĩ ngợi hài hước như thế từ phía người đọc đã luôn nảy sinh trong suốt hành trình theo cuốn sách hơn 300 trang. Và người đọc đã không chỉ ít nhiều nghĩ ngợi, mà còn không ít lúc tự mỉm cười với sự thư thái tinh thần trong cảm giác hài hước và thanh lọc.

Tôi đặc biệt thích cảnh đám ma chuột cuối tiểu thuyết, vừa hư ảo huyền hoặc, vừa nghiệt ngã hiện thực. Và người đọc ắt ngẫm ngợi gần xa, khi tác giả tạo tình huống “mất trọng lượng” cho bảy nhân vật luôn lơ lửng, với giả thiết nếu không được buộc chặt lại mặt đất, họ sẽ bị bay vĩnh viễn khỏi cuộc đời này. Hóa ra, được ở lại mặt đất là hạnh phúc lớn nhất của con người.

Vậy nên, đôi uyên ương phiếm chỉ Chàng-Nàng, cuối tiểu thuyết đã dìu nhau ra bãi cát sông Hồng mênh mông mùa hạn hán để thực hành nghi lễ tình yêu: bế nhau lên. Và Chàng, chính là “cái anh chàng mất trọng lượng đấy. Mà bây giờ hắn vẫn đang mất trọng lượng. Hắn buộc phải bê một vật nặng để giữ thăng bằng. Để không bị bay lên. Không phải à. Không phải thì hắn việc gì phải bế cô nàng kia? Cô dâu già, gái bằng ấy tuổi, chẳng ai bế lên như vậy bao giờ”.

Dường như chính bằng cách ấy, nhà tiểu thuyết Hồ Anh Thái đã thành công khi níu buộc người đọc ở lại thật lâu với tiểu thuyết mới của mình.

Theo Báo giấy