Sau viện trợ cho Ukraine, Ba Lan mua hàng loạt vũ khí mới từ Hàn Quốc

TPO - Ba Lan sẽ mua gần 1.000 xe tăng, hơn 600 khẩu pháo và vài chục máy bay chiến đấu của Hàn Quốc, sau khi đã viện trợ vũ khí và phương tiện quân sự giúp Ukraine đối phó với Nga, CNN dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết.

Một chiếc xe tăng K-2 của Hàn Quốc tham gia đợt tập trận bắn đạn thật năm 2018

Thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc Warsaw mua 980 xe tăng K2, 648 pháo tự hành K9, và 48 máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Ba Lan không cho biết giá trị của hợp đồng này.

Lô 180 xe tăng K2 đầu tiên, do Hyundai Rotem chế tạo và trang bị súng 120mm tự nạp, dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay, còn 800 xe tăng nâng cấp sẽ được sản xuất tại Ba Lan vào năm 2026, Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết.

Lô 48 pháo tự hành K9 đầu tiên, do hãng Hanwha Defense chế tạo, dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay, lô thứ hai gồm 600 chiếc sẽ được bàn giao từ năm 2024. Từ năm 2025, vũ khí này sẽ được sản xuất tại Ba Lan.

Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết các xe bọc thép mới sẽ thay thế xe tăng từ thời Liên Xô mà Ba Lan đã viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Ngày 22/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak khẳng định trên Twitter rằng thỏa thuận này sẽ “tăng cường đáng kể an ninh của Ba lan và sức mạnh của quân đội Ba Lan”.

Ông Chun In-Bum, một tướng nghỉ hưu của Hàn Quốc, nói rằng thỏa thuận với Ba Lan là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Seoul từ trước đến nay.

Ông Chun cũng ca ngợi tính năng của các loại vũ khí và phương tiện của Hàn Quốc.

“Pháo tự hành K9 có thể là hệ thống pháo tốt nhất thế giới, chỉ có hệ thống của Đức là đối thủ. FA-50 là phiên bản chiến đấu của T-50, được tiếng là phương tiện huấn luyện tốt nhất thế giới. Xe tăng K2 phiên bản mới nhất tốt hơn bất kỳ phiên bản nào của Hàn Quốc tính đến nay”, ông Chun nói.

Một chiếc tiêm kích FA-50 Golden Eagle của quân đội Hàn Quốc

Leif-Eric Easley, phó giáo sư ngành nghiên cứu quốc tế tại ĐH Phụ nữ Ewa ở Seoul, cho biết thỏa thuận này bắt đầu từ chính quyền Moon Jae-in, người đã nỗ lực tìm kiếm hợp đồng nước ngoài để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc. Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol cũng muốn tăng cường mảng này.

“Cuộc xung đột ở Ukraine càng làm tăng trách nhiệm địa - chính trị đối với Seoul”, ông Easley nhận định.

Theo nhà nghiên cứu này, với việc ký hợp đồng vũ khí lớn với Ba Lan, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hàn Quốc được trông đợi sẽ chia sẻ “gánh nặng quốc phòng của trật tự quốc tế”.

“Washington và NATO sẽ kỳ vọng Seoul tăng cường hỗ trợ Ukraine và duy trì trừng phạt Nga, ngay cả khi điều đó gây tổn thất cho kinh tế Hàn Quốc”, ông Easley nói.

Từ khi tham gia NATO năm 1999, Ba Lan trở thành một thành viên quan trọng trong liên minh của 30 thành viên. Nước này đã mua nhiều vũ khí và phương tiện quân sự của Mỹ, trong đó có xe tăng Abrams và tiêm kích F-35.

Ba Lan cũng là nước ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Kiev sau khi Nga mở chiến dịch quân sự, bằng cách gửi hơn 200 xe tăng và pháo tự hành cho Ukraine.

Theo CNN