Hơn 1.000 hecta rừng bị thiệt hại
Lào Cai là một tỉnh miền núi biên giới có tổng diện tích tự nhiên 636.403 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,7%. Thời gian qua, địa phương đang xem xét thí điểm triển khai chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon từ rừng đối với những diện tích rừng có đủ điều kiện; Phương án bán tín chỉ carbon phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh ban hành nhiều kế hoạch trồng cây xanh, bảo vệ và phát triển rừng, như: Đề án của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông lâm nghiệp sắp xếp dân cư xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025; Đề án trồng một tỷ cây xanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Dự án phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2021 – 2025;… đang được triển khai mạnh mẽ tại các địa phương, hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ che phủ rừng.
Tuy nhiên, cơn bão số 3 với sức mạnh lịch sử đã càn quét và gây ra nhiều thiệt hại về tài sản cũng như cơ sở hạ tầng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, nhà cửa, hoa màu, lâm nghiệp… do lũ quét, sạt lở, ngập lụt sau hoàn lưu bão.
Tại huyện Bát Xát, sạt lở đã khiến nhiều cánh rừng chỉ còn trơ trọi đất đá. Có xã, sạt lở xóa sổ nhiều diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng của người dân; có điểm không thể trồng lại, đặc biệt là ở các xã Mường Hum, Trịnh Tường, A Lù, Nậm Chạc...
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát, qua rà soát, bão số 3 gây thiệt hại 269ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên hơn 260ha. Thiệt hại về rừng xảy ra ở các điểm vùng cao, có nhiều vị trí rất cao, dốc nên gây khó khăn trong việc khôi phục trồng và phát triển rừng.
Ông Trần Văn Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết, đơn vị đã và đang thống kê, rà soát để xây dựng kế hoạch triển khai trồng, tái tạo lại những diện tích rừng bị mưa lũ tàn phá. Tuy nhiên, các vị trí sạt lở, cơ bản ở nơi đồi núi dốc, nằm ở gần các khe suối... Sau khi sạt lở cuốn trôi toàn bộ đất ở khu vực đó, chỉ còn đất đá không thể trồng rừng nhiều chỗ không thể khôi phục được như cũ.
Trong khi đó, thống kê của Chi cục Kiểm lâm Lào Cai chỉ ra, bão số 3 gây thiệt hại lớn cho ngành lâm nghiệp. Trong số 1.154ha rừng bị thiệt hại thì có 650 ha rừng trồng, 310 ha rừng tự nhiên và một số diện tích cây lâm nghiệp ngoài gỗ.
Khẩn trương cứu những cánh rừng
Ông Vũ Hồng Điệp, Cục phó Chi cục Kiểm lâm Lào Cai cho hay, các diện tích bị sạt lở thiệt hại gần như là mất trắng. Đơn vị đã yêu cầu tất cả lực lượng kiểm lâm các địa phương cho bay drone (thiết bị bay không người lái) rà soát lại toàn bộ diện tích, thống kê đầy đủ về hiện trạng rừng để xây dựng phương án khắc phục.
Đối với diện tích rừng tự nhiên ở những vùng rất cao, dốc nên việc phục hồi trồng lại, khoanh nuôi rất khó. Chi cục đang đề xuất để nguyên hiện trạng, vì rừng tự nhiên có khả năng tự tái sinh rất nhanh. Ngoài ra, đề xuất giải pháp có thể bay drone để gieo, rắc hạt cây bản địa ở những điểm sạt lở.
Theo Cục Phó Chi Cục Kiểm lâm Lào Cai, để khôi phục lại diện tích rừng bị thiệt hại do mưa lũ, công tác bảo đảm cây giống là một trong những yếu tố quan trọng. Hiện nay, các vườn ươm, các cơ sở sản xuất cây giống đang khẩn trương sửa chữa, vệ sinh, tiêu độc khử trùng để khôi phục sản xuất.
Thực hiện các biện pháp kỹ thuật như đảo bầu, phun thuốc phòng chống nấm do bệnh dễ phát sinh sau ngập úng... Đồng thời, triển khai sản xuất cây giống cho vụ mới ngay sau khi đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, số lượng chủng loại cây giống cho công tác trồng, chăm sóc rừng bị thiệt hại cũng như trồng rừng mới năm 2025.
Hiện tại, qua rà soát, các cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn đủ khả năng cung ứng khoảng 30 triệu cây giống cho năm 2024, 2025 và xuất bán ra các tỉnh lân cận. Các địa phương đã và đang phân bổ giống, vật tư, phân bón đến các địa phương để khôi phục lại những cánh rừng theo Nghị định của Chính phủ về về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.