Sau loạt sai phạm, Hà Nội cho lát vỉa hè kiểu 'xôi đỗ'

TPO - Sau kết luận của Thanh tra Hà Nội và xem xét xử lý hàng loạt cán bộ sai phạm liên quan đến phong trào lát đá vỉa hè, một số quận trung tâm Hà Nội tiếp tục cho lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên. Tuy nhiên, quận Đống Đa lại cho lát đá vỉa hè theo kiểu 'xôi đỗ', nơi lát đá tự nhiên, nơi lát bằng gạch block.
Lát vỉa hè kiểu "xôi đỗ"
Tại khu vực quận Đống Đa, hiện vỉa hè nhiều tuyến phố đang được cày xới lên để lát lại. Điều đáng nói, quận Đống Đa lại cho lát đá vỉa hè theo kiểu "xôi đỗ", nơi thì bằng đá tự nhiên, nơi thì lát bằng gạch block.
Đơn cử, tại tuyến phố Hào Nam thuộc phường Ô Chợ Dừa; phố An Trạch (phường Cát Linh), vỉa hè ở các tuyến phố này vừa được thay mới bằng gạch block. Cùng dọc tuyến phố Hào Nam, tại tuyến phố Hoàng Cầu-Thái Hà (mới) khu vực dưới chân cầu thang của các nhà ga thuộc tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông, vỉa hè ở đây lại được bằng lát đá tự nhiên. Trong khi xung quanh vỉa hè vẫn được lát bằng gạch block.
Tại tuyến phố Tôn Đức Thắng gần trụ sở của UBND quận Đống Đa, vỉa hè ở đây cũng được đào lên để lát bằng đá tự nhiên. Nhưng cùng dọc tuyến Tôn Đức Thắng, bên kia là các tuyến phố Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, vỉa hè vẫn nham nhở với gạch block cũ.
Tuyến phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) đang được lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên sau lệnh tạm dừng của Thành phố vào cuối năm 2017.
Thay vì loại đá tự nhiên có kích cỡ 30x30cm, tuyến phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) lại sử dụng loại đá có kích thước 20x20cm để lát cho vỉa hè.
Công nhân thi công lát đá vỉa hè trên phố Tôn Đức Thắng đối diện trụ sở UBND quận Đống Đa.
Trong khi đó, chạy dọc tuyến Tôn Đức Thắng là phố Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn vẫn "mặc áo" gạch block cũ.   
Vỉa hè  dưới công trình cầu thang của các ga thuộc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông ở phố Hoàng Cầu-Thái Hà (mới) được lát bằng đá tự nhiên "bền 70 năm" trong khi xung quanh vẫn là gạch block cũ nhìn nham nhở, kiểu xôi đỗ.
Nhiều người dân ở đây cho rằng, việc lát vỉa hè kiểu "xôi đỗ" nơi thì lát đá, nơi thì lát gạch không đồng bộ gây mất mỹ quan cho đô thị.
Đường vỉa hè xung quanh hồ Đống Đa tạp nham bởi các loại gạch khác nhau.
Lát kiểu "xôi đỗ" vì các tuyến phố chưa đủ điều kiện?
Trao đổi với Tiền Phong, vị lãnh đạo UBND quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, sau thông báo của Thành phố cuối năm 2017, quận Đống Đa có quyết định tạm dừng việc lát đá vỉa hè để kiểm tra, rà soát và đánh giá lại hiệu quả của loại vật liệu này.
Theo vị này, trên địa bàn quận có 72 tuyến phố, vừa qua quận Đống Đa tiếp tục cho lát lại vỉa hè ở một số tuyến phố. "Vừa qua quận rà soát tất cả các tuyến phố để chỉnh trang lát vỉa hè thì chỉ duy nhất 1 tuyến phố là Tôn Đức Thắng đủ điều kiện cho việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên thôi, chứ quận cũng không có chủ trương lát đá tự nhiên cho tất cả tuyến phố", vị này cho biết.
Theo vị này, trước đây khi chưa có lệnh tạm dừng, tuyến phố Tôn Đức Thắng chỉ mới triển khai lát đá tự nhiên với chiều dài khoảng 200m (tuyến phố này có chiều dài 800m). "Chỉ có tuyến phố duy nhất là tuyến phố Tôn Đức Thắng được lát tiếp bằng đá tự nhiên vì đã được phê duyệt trước đây còn các tuyến phố khác đa phần quận chủ trương rà soát, chám vá hoặc lát lại gạch", vị cán bộ cho biết.
Trả lời vì sao ở các tuyến phố như Hào Nam; An Trạch vỉa hè lại lát gạch mà không lát đá tự nhiên như tuyến Tôn Đức Thắng nên nhiều người cho rằng, lát vỉa hè kiểu "xôi đỗ" gây mất mỹ quan, không đồng bộ? Vị cán bộ này lý giải: "Các dự án này đã lập từ giai đoạn trước gọi là lát chỉnh trang và một số tuyến phố quận cũng chủ trương chỉ lát chỉnh trang. Việc này quận cũng báo cáo thành phố để lát chỉnh trang vỉa hè bằng gạch block ở các phố như Hào Nam, Hoàng Cầu… vì tiến tới ở đây sẽ xén dải phân cách khu vực trụ đường sắt trên cao để mở rộng lòng đường nhằm giảm ùn tắc, nên quận cho lát vỉa hè bằng gạch chỉnh trang".
PV hỏi: "Nhưng tại sao một tuyến phố không nằm trong diện phải xén dải phân cách như phố An Trạch lại vẫn lát vỉa hè bằng gạch block?". "Các tuyến này quận cũng chủ trương chỉ lát chỉnh trang vì các tuyến này chưa đủ điều kiện như chưa hạ ngầm....." - ông này nói.
Trong khi vỉa hè tuyến Tôn Đức Thắng đang được thay thế bằng đá tự nhiên (tổng mức dự án trên 20 tỷ-PV), thì tuyến phố phố Hào Nam vừa được lát lại vỉa hè bằng gạch block.
Kề tuyến Hào Nam là nối với phố An Trạch, nhưng toàn bộ vỉa hè của tuyến phố này lại được lát  bằng gạch Terrazzo màu đỏ có hoa văn khác hẳn phố Hào Nam là gạch block.
Tại ngã tư Thái Hà-Tây Sơn (quận Đống Đa), vỉa hè ở đây cũng được lát kiểu "xôi đỗ", đoạn thì bằng gạch, đoạn thì bằng đá tự nhiên nhìn mất mỹ quan đô thị như những chiếc áo rách, chắp vá.
Trước đó, sau khi dư luận báo chí phản ánh nhiều bất cập, tồn tại trong phong trào vỉa hè bằng đá tự nhiên của các quận huyện Hà Nội, ngày 13/2/2018 Thanh tra TP Hà Nội chính thức thông báo kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố.
Thanh tra Thành phố đã chỉ ra nhiều tồn tại, sai phạm trong việc lát đá vỉa hè, như hướng dẫn không đồng nhất và rõ ràng trong “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội"; nhiều UBND quận như: quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân… chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thành phố như không tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực.
Thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc lát đá vỉa hè Hà Nội tại nhiều tuyến phố gây bức xúc dư luận vừa qua. Điều đáng nói, một số quận đã tự ý lát đá hè ở những tuyến phố không phải phố cổ hoặc phố trung tâm, chưa hạ ngầm, tự ý lát mà chưa có ý kiến của thành phố với mức đầu tư hàng tỷ đồng.

Vỉa hè đá tự nhiên 'bền 70 năm' đã bị cày xới

Gần 1 năm thực hiện chủ trương lát đá tự nhiên tại các vỉa hè Hà Nội, đã có một số vỉa hè bị cày xới để sửa chữa điện, cáp viễn thông... khiến những viên đá tự nhiên bị hư hỏng. Theo ghi nhận, trên các tuyến phố như: Quang Trung (quận Hoàn Kiếm); Quang Trung-Nguyễn Du…, một số điểm vỉa hè bằng đá tự nhiên đã bị cày xới để sửa chữa điện hạ ngầm. Một số đoạn bị bóc lên khỏi vỉa hè, dập nát không còn nguyên vẹn.