Thông cáo chung của G7 được đưa ra trong ngày 28/6 dự kiến sẽ nhấn mạnh đến những cách làm kinh tế phi thị trường của Trung Quốc, về các khoản nợ và tình hình nhân quyền ở quốc gia này. NATO sẽ đưa ra một khái niệm chiến lược mới vào cuối tuần này về việc đối phó với Trung Quốc “theo những cách chưa từng có”, ông Sullivan cho biết.
“Chúng tôi nghĩ rằng đang có sự hội tụ ngày càng lớn, cả trong G7 và NATO, xung quanh thách thức mà Trung Quốc gây ra”, ông Sullivan nói với báo chí tại thượng đỉnh G7 ở miền nam nước Đức.
Ông Sullivan cho biết, các lãnh đạo G7 nhìn thấy “nhu cầu cấp thiết” về tham vấn và liên kết trong những vấn đề như cách Trung Quốc làm kinh tế phi thị trường, cách xử lý nợ của các nước đang phát triển, và cách tiếp cận trong vấn đề nhân quyền.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết sự chú ý gia tăng đối với hành động của Trung Quốc trên mặt trận kinh tế và an ninh không có nghĩa là phương Tây đang tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
“Chúng tôi không tìm cách phân chia thế giới thành các khối đối đầu và buộc các nước phải chọn phe. Chúng tôi muốn ủng hộ các nguyên tắc công bằng với mọi người. Và chúng tôi muốn bảo đảm rằng chúng ta đang làm việc với các đối tác cùng chung tư tưởng để buộc Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc”, ông Sullivan nói.
Ngày 26/6, các lãnh đạo G7 cam kết sẽ huy động 600 tỷ USD từ các quỹ nhà nước và tư nhân trong 5 năm tới để cấp vốn cho phát triển hạ tầng ở các nước đang phát triển, nhằm cạnh tranh với dự án Vành đai Con đường trị giá nhiều tỷ đô la của Trung Quốc.
Phản ứng trước bước đi này, Bắc Kinh gọi đây là kế hoạch địa chính trị nhằm “bôi nhọ và kiềm chế” Trung Quốc.