Sạt lở ‘rình rập’, san gạt khắp nơi, người dân Yên Bái sống chung với bụi
TPO - Đã hơn 1 tháng sau khi cơn bão số 3 đi qua, tại các điểm sạt lở ở thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) vẫn ngổn ngang như đại công trường san gạt đất. Người dân tại đây hàng ngày phải sống chung với "bụi" và lo ngại an toàn giao thông do nhiều phương tiện vận tải lớn lưu thông với mật độ cao...
Theo thống kê, sau bão số 3, thành phố Yên Bái có trên 550 điểm sạt lở, ảnh hưởng đến trên 3.000 hộ dân và một số cơ quan, trường học. Nhiều gia đình có nhà không thể về do sạt lở, nguy cơ sạt lở.
Trước tình hình cấp bách, các địa phương ở Yên Bái đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để người dân chủ động giải pháp xử lý san gạt ta luy dương, hạ độ dốc, gia cố sườn đồi nhằm khôi phục lại chỗ ở, phòng chống sạt lở tiếp diễn.
Tuy nhiên, hơn 1 tháng, công tác khắc phục hậu quả ở các địa phương vẫn ngổn ngang. Hiện TP Yên Bái có hơn 130 điểm sạt lở được khắc phục, trên 200 điểm đang được tiến hành.
Theo ghi nhận của PV, tại các phường, xã, trên khắp các tuyến đường tại thành phố, các gia đình, chi chít các điểm san gạt, máy móc, phương tiện vận tải tấp nập như đại công trường.
Các xe chở đất ùn ùn trên khắp các tuyến đường, bụi do xe rơi vãi, các công trình san gạt gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cả thành phố hơn 1 tháng nay chìm trong "sương bụi".
Chưa kể, các xe vận chuyển đất phóng nhanh, vượt ẩu gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn, người dân nơm nớp lo sợ mỗi khi lưu thông trên đường.
Chị Đỗ Thị Hương Trà (ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái) cho hay, gia đình có 3 cháu nhỏ, hàng ngày phải đưa đón đi học, nhưng khi lưu thông trên đường rất lo ngại vì xe chở đất quá nhiều, chạy ẩu, phóng nhanh, lạng lách, lấn làn rất nguy hiểm.
Ngoài ra, xe chở đất di chuyển rơi vãi đất trên đường, bụi bẩn mù mịt, nhà cửa, xe cộ lúc nào cũng ngập trong bụi, ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo thành phố Yên Bái, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho người dân và nguy cơ sạt lở tiếp tục đe dọa nhiều khu dân cư, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân và các đơn vị thi công san gạt, hót dọn đất đá theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với các phương tiện vận tải, địa phương cũng yêu cầu việc tuân thủ các khung giờ vận chuyển, tránh những giờ cao điểm, thành lập các tổ chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc san gạt, đổ thải, xử lý nghiêm với những lái xe làm rơi vãi đất, chở quá khổ, quá tải.