Theo ghi nhận, hiện nay toàn bộ thành đá phía Bắc của Thành nhà Hồ dài khoảng 880 m, cao trung bình khoảng 5 m đang bị sạt lở ở rất nhiều điểm.
Tại những vị trí sạt lở này, tường thành gần như bị biến dạng hoàn toàn, đá trên thành đổ xuống chắn cả đường đi ven thành của người dân, thậm chí có những tảng đá lớn cả tấn văng xa hàng chục mét vẫn đang còn ngổn ngang mà nhiều người không biết đổ từ bao giờ.
Cũng dọc bức thường thành này, nhiều đoạn tường đá bị xô nghiêng ra phía ngoài, nhiều viên đá bị xô lệch, phình ra và có thể rơi xuống đường bất cứ lúc nào. Tại những điểm này, cỏ cây mọc um tùm, nếu không có rễ cây bám trên thành ngăn lại thì nhiều tảng đá đã rơi xuống đất.
Ông Trương Hoài Nam, Trưởng phòng nghiệp vụ di sản (Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ), cho biết qua khảo sát, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ đã phát hiện tại tuyến thành này có tới 15 điểm sạt lở, trong đó điểm sạt lở gần nhất là vào tháng 9-2917, làm 1 đoạn tường thành dài khoảng 6 m đổ sập.
"Trong tất cả 4 bức tường thành thì thành phía Bắc bị sạt lở nghiêm trọng nhất. Đoạn thành đá này cũng được xây dựng rất khác so với 3 thành còn lại, khi đá làm thành bé hơn và việc xây dựng cũng thô sơ, không tinh xảo như những thành còn lại. Hiện chúng tôi cũng chỉ gia cố những chỗ sạt lở và đặt biển cảnh báo người dân khi đi qua đây"- ông Nam thông tin.
Trả lời Báo Người Lao Động, tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, cho biết ngay sau khi xuất hiện đoạn sạt lở vào tháng 9-2017, trung tâm đã có báo cáo gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sở cũng đã báo cáo UBND tỉnh, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ ngành liên quan để có phương án bảo tồn, khôi phục lại đoạn tường thành phía Bắc.
"Thành nhà Hồ đã tồn tại hơn 600 năm, vì thế việc xuống cấp thành phía Bắc chúng tôi cũng không rõ từ bao giờ và khi nào, nguyên nhân ra sao (chỉ có điểm sạt lở 2017 là do mưa lũ nhiều ngày). Có 2 nguyên nhân, một là thành đá xuống cấp, hai là do mưa nhiều, địa chất yếu cũng gây nên hiện tượng trên. Việc bảo tồn, tôn tạo lại di sản Thành nhà Hồ đã được chúng tôi lập kế hoạch nghiên cứu và lên phương án khắc phục. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân thành bị đổ nên có thể sẽ phải tiến hành khai quật đoạn thành mới bị đổ để khảo cứu, phân tích đánh giá làm rõ nguyên nhân cụ thể, để có hướng bảo tồn hiệu quả nhất"- ông Trọng phân tích.