Sáp nhập ngân hàng yếu để ổn định hệ thống

TP - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với bốn ngân hàng yếu kém đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, đến năm 2025 ngành ngân hàng phải xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém. Đây được coi là những quyết sách để nền kinh tế lành mạnh.

Nới “room ngoại”

Hiện tại có 5 NHTM yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank), Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank); riêng Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) thuộc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập, do cổ đông lớn và sáng lập là Tổng Công ty Xăng dầu không được tiếp tục đầu tư nắm giữ ngân hàng theo quy định.

Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng dưới 3%, đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, thông qua khuyến khích hợp nhất, sáp nhập tự nguyện.

Ngoài 5 ngân hàng này, từ giữa tháng 10/2022, NHNN đưa Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt. Bên cạnh đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có phương án và đẩy nhanh tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Các NHTM tham gia tái cơ cấu ngân hàng không chỉ được NHNN xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn, mà NHTM sáp nhập ngân hàng yếu kém có thể được nới trần “room ngoại” (tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng - PV) lên 49% - so với mức 30% hiện nay.

Năm 2023, nhiều ngân hàng phải “chốt” việc sáp nhập ngân hàng yếu kém. Ảnh: Như Ý

Trong tờ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 01 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng mới đây, NHNN kiến nghị Chính phủ sẽ quyết định “room ngoại” tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc với tỷ lệ được phép vượt 30%, nhưng không quá 49% vốn điều lệ của ngân hàng nhận chuyển giao. Quy định này không áp dụng với NHTM có vốn nhà nước sở hữu trên 50%. Như vậy, trong 5 NHTM có ý định hoặc kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém nêu trên, ngoài Vietcombank là NHTM có vốn nhà nước sở hữu trên 50%, thì các NHTM còn lại có khả năng được nới “room ngoại” lên tối đa 49%.

Theo NHNN, hiện có 2 NHTM nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém đã đề xuất nâng “room ngoại” lên 49% và được NHNN nêu quan điểm ủng hộ. Động thái này cũng được NHNN nhận định là nhằm khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.

Sáp nhập làm “nóng” mùa đại hội cổ đông

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023 của MB bank ngày 25/4, trước câu hỏi của nhiều cổ đông về việc sáp nhập ngân hàng yếu kém, ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng giám đốc thường trực MB bank cho biết, hiện tại đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. “Theo quy định của NHNN thì thời gian định giá sẽ kéo dài 11 tháng. Việc định giá đã bắt đầu từ tháng 3/2023 nên dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ định giá xong và MB Bank có thể triển khai nhận chuyển giao”, ông Ánh cho biết.

Với nguồn lực chất lượng và có kinh nghiệm triển khai thành công một số phương án tái cơ cấu, cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án này, qua đó tận dụng hiệu quả các lợi thế hỗ trợ để tăng tốc phát triển, góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu chiến lược.

Còn tại ĐHĐCĐ năm 2023 của Vietcombank ngày 21/4, trả lời cổ đông, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank cho biết, ngân hàng này sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Đến nay phương án nhận chuyển giao đã được trình và đang chờ NHNN phê duyệt. “Đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định”, ông Dũng nói.

Tại ĐHĐCĐ năm 2023 của VPBank, lãnh đạo VPBank cũng báo cáo cổ đông về thông tin nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

TS Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, việc sáp nhập ngân hàng là thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Việc này đã được xác định trong một vài năm gần đây, Chính phủ yêu cầu phải “chốt” và ngân hàng đang cố gắng thực hiện chủ trương đó.

Tuy nhiên, quá trình sáp nhập ngân hàng yếu kém chậm vì nhiều nguyên nhân. “Sáp nhập ngân hàng yếu kém góp phần lành mạnh hóa thị trường ngân hàng, tăng ổn định tài chính, kinh tế vĩ mô”, ông Lực nói và cho biết thêm, nếu để ngân hàng yếu kém phá sản sẽ gây nhiều xáo trộn cho người gửi tiền; sáp nhập là phương án tốt hơn so với việc để ngân hàng phá sản.