Mức hỗ trợ chưa thỏa đáng
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 595 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo đó, đến hết năm 2021, cấp huyện đã sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách dôi dư đối với 282 người (đạt 39,94%); số cán bộ, công chức dôi dư còn lại phải tiếp tục giải quyết là 424 người.
Cấp xã, đến hết năm 2021, đã sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách dôi dư đối với 6.281 người (đạt 64,79%); số dôi dư còn lại phải giải quyết là 3.413 người.
Số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đã sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách dôi dư đối với 7.956/8.448 người (đạt 94,18%); số dôi dư còn lại phải giải quyết là 492 người.
Theo Bộ Nội vụ, từ tháng 1/2022 đến 1/4/2024, các địa phương đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, bố trí nguồn lực để thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ, công chức dôi dư.
Cụ thể, cấp huyện đã tiếp tục giải quyết được 366/424 cán bộ, công chức dôi dư, số còn lại phải tiếp tục giải quyết là 58 người. Với cấp xã, đã tiếp tục giải quyết được 2.008/3.413 người, số dôi dư còn lại 1.405 người. Với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư, đã giải quyết được 492 người.
Như vậy, sau 4 năm triển khai nghị quyết, vẫn còn 58/706 (chiếm 8,21%) cán bộ, công chức cấp huyện, và 1.405/9.694 (chiếm 14,49%) cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách. Điều này là chậm so với yêu cầu Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các địa phương đa số đều có tuổi đời còn trẻ và có nguyện vọng cống hiến lâu dài, trong khi đó khung vị trí việc làm tại các cấp xã, phòng, ban chuyên môn cấp huyện cơ bản đã bố trí đủ nên rất khó để sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư”, Bộ Nội vụ nêu.
Báo cáo này cho rằng, mức hỗ trợ chưa thỏa đáng để ổn định đời sống, tạo việc làm mới; chưa có cơ chế tài chính, chính sách hợp lý để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc, chờ nghỉ hưu.
Mới có 4 tỉnh, thành gửi hồ sơ sắp xếp
Trong giai đoạn 2023 - 2025, Chính phủ đã có tổng hợp từ phương án tổng thể của 53 tỉnh, thành có cấp huyện, xã trong diện sắp xếp.
Với cấp huyện, có tổng số 49 đơn vị, sau sắp xếp dự kiến giảm 13 đơn vị; số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện do có yếu tố đặc thù là 21 đơn vị.
Còn cấp xã có tổng số 1.247 đơn vị thực hiện sắp xếp, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị; số đơn vị thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện do có yếu tố đặc thù là 508 đơn vị.
Tính đến ngày 25/4/2024, có 4 tỉnh, thành (Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Cần Thơ) đã gửi đến Bộ Nội vụ hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 của địa phương.
Do số lượng cấp huyện, xã sắp xếp nhiều, lại tiến hành đồng thời với việc tinh giản biên chế dẫn đến số lượng cán bộ, công chức, người lao động dự kiến dôi dư do sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 là rất lớn.
Trong khi đó, số lượng dôi dư từ giai đoạn 2019-2021 ở một số địa phương đến nay vẫn chưa giải quyết xong nên công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của địa phương càng thêm gánh nặng.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở các địa phương đa số đều có tuổi đời còn trẻ và có nguyện vọng cống hiến lâu dài; biên chế cán bộ, công chức cấp xã lại bị cắt giảm theo quy định chung nên các địa phương gặp khó khăn.
Do vậy, cơ quan này kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho gia hạn thời gian bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 đến ngày 31/12/2025.