Tuyên bố của Canada được đưa ra khi nhu cầu toàn thế giới về than lần đầu tiên giảm từ năm ngoái sau gần hai thập kỷ tăng liên tục, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế mà phát ngôn của họ luôn được xem là tiêu chí vàng để đánh giá các dữ liệu năng lượng.
Kể từ sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tiêu thụ than tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á tăng chóng mặt, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Đến giai đoạn đỉnh vào năm 2015, than chiếm tới 41% thị phần phát điện toàn cầu. Đây được cho là giới hạn không thể chịu đựng được nữa trước sự hiện hữu rõ rệt của biến đổi khí hậu toàn cầu và than bị quy là một trong những thủ phạm chính gây phát thải khí nhà kính CO2.
Các công ty than càng làm ăn có lãi bao nhiêu, thế giới càng chịu cảnh phát thải khí nhà kính kinh khủng bấy nhiêu mà hậu quả là chất lượng không khí suy giảm nghiêm trọng tại các thành phố lớn. Hơn ba triệu người chết do ô nhiễm không khí mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Và lần đầu tiên, tháng 6/2016, WHO đưa ra số liệu cụ thể thiệt hại nhân mạng tại từng nước do ô nhiễm bởi các hạt bụi thải ra từ xe cộ, nhà máy nhiệt điện than và các nguồn khác. Theo đó, năm 2012, Trung Quốc đứng đầu bảng với hơn một triệu người chết. Con số đó ở Ấn Độ là ít nhất 600.000 người và Nga hơn 140.000 người.
Không chỉ Canada có lộ trình chấm dứt phụ thuộc than vào năm 2030, ngày càng nhiều nước khác cũng lên phương án cụ thể. Chính phủ Anh cam kết loại trừ toàn bộ nhiệt điện than vào năm 2025. Pháp, Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Đức có kế hoạch tương tự với các bước đi khác nhau.
Tại Mỹ, các ngành kinh tế phụ thuộc vào than cũng thay đổi đáng kể nhất là khi giá gas giảm mạnh sau cuộc cách mạng fracking, chiết xuất gas từ các phiến đá dầu dưới biển. Năm 2015, lần đầu tiên sản lượng điện phát bởi gas ở Mỹ lên ngang bằng phát bởi than. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố lập kế hoạch phát triển năng lượng mặt trời trị giá 30 triệu USD ngay sau Thượng đỉnh Biến đổi Khí hậu Paris cuối năm 2015.