Sập gụ, tủ chè lép vế trước sofa, tủ kính ngoại nhập

Sản xuất chế biến đồ gỗ tại Việt Nam có truyền thống lâu đời và luôn đứng đầu xuất khẩu. Nhưng nếu mãi chỉ sập gụ tủ chè thì ngành gỗ trong nước sẽ đối mặt với nhiều cạnh tranh khi hội nhập.
Đồ gỗ ngoại chiếm lĩnh thị trường.

Gỗ Trung Quốc, Đài Loan bán đầy thị trường

Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chế biến đồ gỗ, 340 làng nghề, hàng vạn cơ sở chế biến, phần lớn tới 95% trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

“Chúng ta đi khắp năm châu bốn biển, còn thị trường trong nước chỉ chưa đầy 2,5 tỷ USD. Trước đây, thị phần của các doanh nghiệp VN chỉ chiếm khoảng 20% nội địa, gần đây tăng lên tới 40%”, ông Quyền nói. 

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến đồ gỗ TP.HCM (Hawa), mặc dù xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam khá tốt nhưng tại thị trường nội địa đang vấp phải sự cạnh tranh rất quyết liệt từ các sản phẩm nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Đài Loan,...

Các tên tuổi lớn về bán đồ gỗ nội thất hiện nay trên thị trường nội địa chủ yếu là bán hàng nhập từ nước ngoài. Một kết quả khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, trong năm qua, đồ gỗ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% doanh số trên thị trường nội địa, 80% doanh số còn lại thuộc về đồ gỗ ngoại.

Theo một số liệu mới được công bố của Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC), kim ngạch nhập khẩu gỗ cứng từ nước này vào Việt Nam chiếm đến 71%, tương đương với 238 triệu USD, chủ yếu phục vụ cho sản xuất hàng nội thất và các sản phẩm mộc.

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam năm 2014 đạt 6,23 tỷ USD, tăng 11,5%. Riêng sản phẩm gỗ tăng 16% so với năm trước đó. Phần lớn các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng, cụ thể thị trường Mỹ đạt 2,23 tỷ USD (tăng 11,1%), Nhật Bản đạt 952 triệu USD (tăng 15,6%), EU đạt 740 triệu USD (tăng 17,9%).

Trong quý I/2015, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 1,52 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, tính riêng giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đạt 1,07 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

"Giật mình" lo hội nhập

Đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nhưng tại thị trường trong nước, ngành gỗ Việt Nam lại đang bị lấn át bởi hàng gỗ nhập khẩu hoặc có mẫu mã nhập khẩu từ nước ngoài. Thách thức lớn đối với doanh nghiệp đồ gỗ trong nước từ cuối năm 2015 là việc hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN sẽ có thuế suất 0%.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết, cuối năm 2015, khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, hàng hóa các nước từ ASEAN nhập vào Việt Nam sẽ có thuế suất 0%, chi phí hàng nhập khẩu sẽ giảm. 

Đây là thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất nói chung và doanh nghiệp đồ gỗ nói riêng của Việt Nam trên chính sân nhà mình. Đến khi nhận thấy đồ gỗ ngoại đang tràn ngập thị trường trong nước, ngành gỗ mới giật mình...

Các DN trong nước tìm hướng đi mới trở về thị trường Việt Nam.

Ông Hạnh cho rằng: “Đây là hồi chuông cảnh báo với doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, cần phải làm thế nào để người tiêu dùng nhớ tới, biết tới mình nhiều nhất nếu không khi hội nhập vào chúng ta sẽ bị thua”. 

Ông Hạnh phân tích, Thái Lan đã chuẩn bị hội nhập ASEAN rất kỹ, họ dạy ngôn ngữ các nước Đông Nam Á trong trường đại học để tạo điều kiện cho công dân tiếp cận trong quá trình hội nhập. Với kế hoạch thâu tóm những siêu thị, đại lý phân phối sản phẩm nên họ có khả năng vừa sản xuất, vừa bán được hàng của mình ngay tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, việc chuẩn bị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN chưa có gì đáng kể. 

Thị trường đồ gỗ trong nước còn rất lớn, nhiều tiềm năng với dân số gần 90 triệu người. Song, nhìn chung các DN gỗ vẫn rất lúng túng, khó khăn trong việc thâm nhập vào thị trường nội địa. Do thói quen sử dụng và điều kiện địa lý, ở thị trường miền Bắc, người tiêu dùng thường ưa chuộng những sản phẩm đồ gỗ nguyên khối lớn, trong khi người tiêu dùng miền Nam lại thích những sản phẩm từ gỗ công nghiệp, gọn nhẹ hơn. 

Ngoài ra, sự thiếu vắng những nhà phân phối chuyên nghiệp về đồ gỗ ở thị trường trong nước cũng đang khiến cho đồ gỗ Việt Nam khó đến được với người tiêu dùng.

Còn ông Quyền, đại diện Vụ thị trường trong nước, cho rằng, cùng với sự phát triển đang mở ra một thị trường nội địa rất lớn vì vậy doanh nghiệp quay trở về sân nhà là hướng đúng. Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý, thị trường trong nước yếu tố riêng, các doanh nghiệp cần phải sáng tạo, kết hợp dân tộc lẫn hiện đại. 

“Câu chuyện đầu tiên phải nghiên cứu thị trường như nội ngoại thất, công sở, nhà riêng,... mỗi doanh nghiệp tìm riêng cho mình một hướng đi để sáng tạo, phát triển. Công tác nghiên cứu phát triển rất quan trọng, đặc biệt mẫu mã, chúng ta không thể mãi sập gụ tủ chè được”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, để tránh bị thất thế ngay trên sân nhà, bản thân các DN đồ gỗ trong nước cần chủ động tìm hiểu thông tin và chuẩn bị kỹ cho quá trình hội nhập; cải tiến hoạt động và đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí, qua đó tăng tính cạnh tranh của gỗ nội thất trong nước so với sản phẩm nhập khẩu.

Theo Theo VietNamNet