Các nhà khoa học ở Trung tâm Y tế lâm sàng Thượng Hải thông báo, vắc-xin do họ tạo ra đã vượt qua các thử nghiệm sơ bộ trên chuột trong phòng thí nghiệm, Xinhua đưa tin. Ông Xu Jianqing, giáo sư đang công tác tại Trung tâm, nói rằng, vắc-xin cần phải vượt qua thử nghiệm lâm sàng để chứng minh hiệu quả bảo vệ người trước khi được đưa vào sử dụng rộng rãi.
Trong khi đó, chỉ trong ngày 8/2, Trung Quốc phát hiện thêm 6 người nhiễm H7N9 và 1 trường hợp tử vong. Cơ quan y tế tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc vừa xác nhận thêm 1 trường hợp nhiễm H7N9, nâng tổng số người trong tỉnh bị lây virus này lên 74 chỉ từ đầu năm đến nay. Bệnh nhân nam 61 tuổi ở thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, đang trong tình trạng nguy kịch.
Tỉnh Giang Tô (cũng thuộc miền đông Trung Quốc) hôm 8/2 báo cáo thêm một trường hợp nhiễm H7N9 và một ca tử vong vì chủng virus này, nâng tổng số bệnh nhân trong tỉnh lên 12 trong hơn 1 tháng qua. Tính từ đầu năm, tỉnh Hồ Nam (ở miền trung Trung Quốc) có 7 trường hợp nhiễm H7N9, còn tỉnh Quảng Đông có 58 trường hợp, bao gồm 12 ca tử vong. Quảng Đông đã bước vào giai đoạn H7N9 lây lan nhiều và rải rác.
Chính quyền Trung Quốc đang tăng cường biện pháp phòng và kiểm soát bệnh lây lan, trong đó có việc đóng cửa nhiều chợ gia cầm sống ở các thành phố có dịch.
Tháng 12/2013, Trung Quốc chỉ có 5 ca nhiễm H7N9, nhưng số trường hợp mắc chủng cúm này tăng vọt lên 120 chỉ trong hơn 1 tháng, trong đó 25 bệnh nhân đã tử vong. Chiết Giang và Quảng Đông ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất, kênh truyền hình trung ương Trung Quốc đưa tin.
Ông Feng Zijian, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc, cho rằng, có khả năng sẽ có thêm nhiều trường hợp nhiễm nữa khi thời tiết đang lạnh hơn. Tuy nhiên, rất khó đoán liệu chủng virus H7N9 có trở nên yếu đi trong mùa hè giống như những chủng virus cúm gia cầm khác hoặc cúm mùa hay không.
Trong khi đó, ông He Jianfeng, chuyên gia tại Trung tâm Phòng chống dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, cho rằng, việc phát hiện thêm nhiều trường hợp nhiễm mới không phải dấu hiệu cho thấy độc tính của virus thay đổi.
“Theo giám sát của chúng tôi, tỷ lệ tử vong do virus này gây ra và cách nó lây truyền tương tự đợt lây nhiễm từ tháng 3 tới tháng 5/2013, khi các trường hợp nhiễm mới tập trung ở miền đông Trung Quốc. Hầu hết số người bị nhiễm hoặc tử vong vì chủng virus này vẫn là những người trên 50 tuổi”, ông He nói.
Dù H7N9 đã lây lan ra nhiều vùng, nhưng nguy cơ H7N9 trở thành đại dịch là không cao, theo kết quả đánh giá của cơ quan y tế tỉnh Quảng Đông. Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe quốc gia (Trung Quốc) hôm 5/2 tái khẳng định, chưa tìm thấy bằng chứng virus H7N9 lây từ người sang người, và hầu hết các ca nhiễm H7N9 đều đã được cách ly.